08:14 05/08/2015

Nhật Bản chuẩn bị tưởng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử

Chính quyền thành phố Hiroshima đang gấp rút chuẩn bị lễ tượng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử, sẽ diễn ra tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình vào ngày 6/8.

Chính quyền thành phố Hiroshima đang gấp rút chuẩn bị lễ tượng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử, sẽ diễn ra tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình vào ngày 6/8.

Khách tham quan xem tấm ảnh khu vực Mái vòm Bom nguyên tử Hiroshima. Ảnh Getty Images


Bên cạnh sự tham gia của hàng nghìn người Nhật Bản sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima cách đây 70 năm, Lễ tưởng niệm năm nay còn có sự góp mặt của hàng trăm khách mời đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy năm thứ hai liên tiếp tham dự sự kiện này, và một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí. Ngoài ra, đông đảo các nhà hoạt động vì hòa bình từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ tụ họp về Hiroshima để tham dự lễ tưởng niệm.

Phát biểu trong cuộc họp ngày 4/8 của Hội đồng chống bom hydro và bom nguyên tử Nhật Bản, ông Sunao Tsuboi - cựu Chủ tịch hội đồng này và cũng là một nạn nhân sống sót sau thảm họa trên, nay đã bước sang tuổi 90 - chia sẻ rằng dù may mắn hơn những người đã thiệt mạng, song cuộc đời ông đã phải gắn với những nỗi đau thể xác và tinh thần trong suốt những năm qua.

Theo kế hoạch, trong tuần này, Hội đồng chống bom hydro và bom nguyên tử Nhật Bản sẽ tổ chức các hội nghị về chống vũ khí hạt nhân và một số sự kiện liên quan ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki - nơi cũng phải hứng chịu một quả bom nguyên tử chỉ 3 ngày sau thảm họa ở Hiroshima.

Ngày 6/8/1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và ba ngày sau ném quả thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Đây là hai thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người cho đến nay. Quả bom mang biệt hiệu "Little Boy" nặng 5 tấn đã gần như san phẳng cả thành phố Hiroshima khi đó khoảng 100.000 dân. Ở Nagasaki, số nạn nhân thiệt mạng cũng lên tới hàng chục nghìn người khi quả bom "Fat Man" phát nổ trên bầu trời thành phố ngày 9/8/1945.

Người dân Nhật Bản gập chim sếu giấy nhiều màu để cầu nguyện cho các nạn nhân bom nguyên tử tại Công viên Hòa bình thành phố Hiroshima ngày 5/8/2014. Ảnh: AFP/TTXVN


Đó là chưa kể hàng nghìn người hàng ngày phải sống với những nỗi đau thể xác và ký ức kinh hoàng về hai sự kiện trên.
Trong suốt 70 năm qua, thảm họa hạt nhân Hiroshima và Nagashaki khiến cộng đồng quốc tế thúc đẩy các nỗ lực nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Hàng chục hiệp định, hiệp ước và thỏa thuận quốc tế liên quan được ký kết.

Tiêu biểu như Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT, ký năm 1968 và hiện có 191 nước tham gia); Hiệp ước hạn chế tên lửa đạn đạo giữa Mỹ và Liên Xô (ABM, 1972); Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Nga- Mỹ (START 1 ký năm 1990 và START 2 ký năm 2010); Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT, 1995)… Quan trọng hơn cả là cộng đồng quốc tế coi phổ biến vũ khí hạt nhân là một nguy cơ mang tính toàn cầu.

TTXVN/Tin tức