09:13 30/09/2019

Nhật Bản cân nhắc nới lỏng tiền tệ

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thảo luận khả năng nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Đây được coi là tín hiệu cho thấy lãi suất ngắn hạn có thể sẽ được cắt giảm trong khi thị trường đang chờ đợi gói kích thích kinh tế bổ sung.

Chú thích ảnh
Đồng yen của Nhật Bản tại một ngân hàng ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Biên bản cuộc họp trong các ngày 18-19/9 vừa qua của ban điều hành BoJ, công bố ngày 30/9, lưu ý tới những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và tác động của việc tăng thuế tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 1/10 tới. Đây cũng là lý do khiến ban lãnh đạo ngân hàng quyết định đánh giá lại triển vọng kinh tế và giá cả hàng tiêu dùng trong cuộc họp cuối tháng 10 tới. Tất cả 9 thành viên ban điều hành nhấn mạnh "cần có các biện pháp nới lỏng bổ sung mang tính phòng ngừa", đồng thời nhận định "hạ lãi suất ngắn hạn là phù hợp".

Trong cuộc họp trên, BoJ đã duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, giữ lãi suất ngắn hạn ở mức 0,1% và định hướng lãi suất dài hạn quanh ngưỡng 0%, trong khi duy trì chương trình mua tài sản quy mô lớn. Tuy nhiên, một thành viên trong ban điều hành BoJ cho rằng nới lỏng tiền tệ hơn nữa là cần thiết, vì BoJ có nguy cơ không thể đạt mục tiêu lạm phát 2% đã đặt ra. Quan chức này cũng nhấn mạnh cần có các hành động quyết liệt, và thông tin rộng rãi về hiệu quả của các biện pháp chính sách.

Nhiều thành viên ban lãnh đạo BoJ bày tỏ lo ngại về đà phát triển chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng nhu cầu nội địa chính là động lực thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng ở mức vừa phải. Một thành viên nói: "Không thể kỳ vọng nhu cầu từ bên ngoài gia tăng vì đà phục hồi của các nền kinh tế khác đang chững lại." Tuy nhiên, một số thành viên cũng cho rằng thuế tiêu dùng tăng từ 8% lên 10% có thể gây tổn hại tới tăng trưởng nội địa.

  Bích Liên (TTXVN)