05:10 26/05/2023

Nhật áp hạn chế xuất khẩu đối với 80 công ty Nga

Hãng tin TASS của Nga dẫn thông báo của chính phủ Nhật Bản ngày 26/5 cho biết Tokyo đang áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 80 công ty Nga.

Chú thích ảnh
Theo hãng tin TASS, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ sớm cấm xuất khẩu một số mặt hàng "giúp thúc đẩy cơ sở công nghiệp của Nga". Ảnh: AP/TASS

Trong số các công ty bị trừng phạt có nhà điều hành điện thoại di động MegaFon của Nga, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang, Quỹ Các Dự án Nghiên cứu tiên tiến về công nghiệp quốc phòng, Văn phòng thiết kế NPO Lavochkin, nhà sản xuất xe tải Kamaz, Quỹ Skolkovo và Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Skolkovo.

Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ sớm cấm xuất khẩu một số mặt hàng "giúp thúc đẩy nền tảng công nghiệp của Nga", tuy nhiên danh sách sẽ được tổng hợp sau.

Trước đó, theo Reuters, phát biểu với báo giới khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thành phố Hiroshima ngày 18/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố ông đã nhất trí với nhà lãnh đạo Mỹ về việc tiếp tục trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra một ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima.

Hồi cuối tháng 1 Nhật Bản đã bổ sung nhiều loại hàng hóa vào danh sách cấm xuất khẩu cho Nga, thực hiện đóng băng tài sản các quan chức, thực thể của Moskva liên quan chiến sự Ukraine. Trong số các hàng hóa bị cấm xuất tới Nga có vòi rồng, thiết bị thăm dò khí đốt, thiết bị bán dẫn, vaccine, chất nổ và robot.

Nhật Bản còn đóng băng tài sản của ba tổ chức và 22 cá nhân ở Nga, trong đó có công ty máy bay Irkut, nhà sản xuất tên lửa đất đối không MMZ Avangard, Thứ trưởng Quốc phòng Mikhail Mizintsev, Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuychenko cùng 14 cá nhân khác.

Sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt chống Nga, trong đó có đóng băng tài sản của Tổng thống Vladimir Putin và các thành viên trong gia đình ông. Nga đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt như lệnh cấm nhập cảnh đối với nhiều quan chức Nhật, trong đó có Thủ tướng Fumio Kishida.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Kishida (trái) và Tổng thống Mỹ Biden mới đây, bên lề Hội nghị G7, đã nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga. Ảnh: Getty Images

Điện Kremlin cảnh báo động thái của Nhật Bản sẽ gây tổn hại quan hệ song phương. "Nhật Bản ngay từ ban đầu đã chọn nằm trong nhóm các quốc gia không thân thiện. Quan hệ song phương chắc chắn sẽ đối mặt các hậu quả", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cảnh báo.

Trong một diễn biến khác, nhật báo Izvestia dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga ngày 25/5 cho biết thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản đã quyết định rời khỏi Nga sau khi đình chỉ hoạt động vào năm ngoái, mở đường cho việc bán lại chuỗi thời trang này ở Nga.

Chủ sở hữu Uniqlo, Fast Retailing, đã đình chỉ hoạt động của thương hiệu quần áo này tại Nga vào tháng 3/2022, cùng với nhiều công ty quốc tế, sau khi Moskva tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga Viktor Yevtukhov cho biết Uniqlo đã quyết định rời khỏi Nga hoàn toàn nhưng vẫn chưa nộp đơn lên chính phủ, điều đó có nghĩa là chuỗi này chưa có người mua.

“Tôi nghĩ họ có thể cung cấp cho người mua tiềm năng mô hình kinh doanh của họ", tờ Izvestia dẫn lời ông Yevtukhov. “Nhà bán lẻ Nhật Bản sẽ có thể cung cấp hợp đồng cho thuê, các điểm bán hàng phổ biến với lưu lượng người mua tốt cùng với thiết bị.”

Ông Tadashi Yanai, người sáng lập Fast Retailing, trước đó nói với truyền thông Nhật Bản rằng Uniqlo điều hành 50 cửa hàng ở Nga.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Reuters, Al Jazeera)