07:09 05/07/2012

Nhập cư trái phép vào Australia: Thiên đường không lối

4 giờ 30 sáng 21/6/2012, nước bắt đầu tràn vào buồng lái của chiếc thuyền chở trên dưới 200 người di cư vừa rời Indonesia chưa được bao xa để tới đảo Christmas của Australia. Hoảng hốt. Hỗn loạn. Kêu cứu. Cầu nguyện… Không ít người đã chết.

4 giờ 30 sáng 21/6/2012, nước bắt đầu tràn vào buồng lái của chiếc thuyền chở trên dưới 200 người di cư vừa rời Indonesia (Inđônêxia) chưa được bao xa để tới đảo Christmas của Australia (Ôxtrâylia). Hoảng hốt. Hỗn loạn. Kêu cứu. Cầu nguyện… Không ít người đã chết. Cũng khoảng giờ đó sáu ngày sau, lại một chiếc thuyền tị nạn khác lâm nguy. Hôm sau nữa, một thuyền tị nạn bị bắt.

Đó là câu chuyện quá quen của những người muốn đi tìm miền đất hứa bằng hình thức di cư bất hợp pháp. Đó cũng là cảnh tượng mà giới chức Ôxtrâylia và Indonesia không lấy gì làm lạ từ nhiều năm nay. Dường như có một thiên đường tuyệt vời nào đó mà những người tị nạn đang tìm đến nhưng không bao giờ tìm thấy, vì thiên đường đó chẳng có lối vào, cũng chẳng có lối ra. Thiên đường đó chỉ có trong tâm trí họ.

Một gia đình người tị nạn vừa tới đảo Christmas. Ảnh: The Daily Telegraph


Có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho ý định xin tị nạn của những thuyền nhân tới Xứ sở Chuột túi: Chủ động tìm một công việc tốt đẹp và xây dựng một cuộc sống mới, do hoàn cảnh xô đẩy, hoặc là nạn nhân của bọn buôn người. Dù là gì thì người ta cũng không thể không nhói lòng khi nhìn thấy một bà mẹ cắp theo ba đứa con nhỏ, đứa lớn khoảng 7 tuổi, đứa giữa chưa tròn 5, còn đứa bé đang tuổi ẵm ngửa, đi tị nạn. Những trường hợp tương tự không hiếm.


Theo các thỏa thuận nhân đạo quốc tế, mỗi năm Australia cung cấp thị thực nhập cảnh cho 13.000 người tị nạn. Thực tế, số người đến Australia tìm kiếm tị nạn ngày một tăng. Từ đầu năm tới nay, Australia đã bắt giữ hàng chục nghìn người định di cư bằng đường biển, phần lớn các thuyền xuất phát từ Indonesia và Xri Lanca. Tính riêng từ ngày 31/5 đến nay, có khoảng gần 4.000 người tị nạn bị giữ trên đất liền, 991 người trên đảo Christmas. Trong năm 2010 và 2011, tổng số người tị nạn trái phép tăng 41% trong các trại tị nạn so với năm ngoái.


Nhưng vấn đề không nằm ở những con số thống kê mà nằm ở giải pháp. Cả Australia và Indonesia đều tuyên bố nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn người, không chấp nhận ý đồ tị nạn chui và cố gắng quyết định sớm số phận của những người tị nạn đang bị giam giữ. Cuộc hội đàm cấp cao thường niên mới đây giữa hai nhà lãnh đạo Australia và Indonesia cũng tiếp tục bàn về vấn đề này. Ngoài việc thống nhất biện pháp phối hợp để giải quyết vấn nạn người tị nạn, kết quả đáng chú ý của cuộc hội đàm là Thủ tướng Australia Julia Gillard đã nhất trí thả hàng chục người tị nạn Indonesia chưa đến tuổi thành niên vì theo Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono thì họ là nạn nhân của bọn buôn người. Phía Indonesia cũng bày tỏ mong muốn Australia sẽ tiếp tục thả thêm người tị nạn.


Xét về logic và nhìn từ thực tế, có thể đánh giá có ba vấn đề mà Australia và Indonesia cần giải quyết. Một là giáo dục ý thức của người tị nạn, đặc biệt là những đối tượng trẻ tuổi. Hai là cơ chế phối hợp để ngăn chặn và hồi hương người tị nạn. Ba là củng cố lòng tin lẫn nhau - một vấn đề nan giải. Báo chí Australia đã tốn không ít giấy mực để làm những phóng sự điều tra về tình trạng thuyền chở người tị nạn từ Indonesia qua mặt rất nhiều cơ quan an ninh của cả hai bên để cập bến Canbơrơ an toàn. Hay khi thuyền chở người tị nạn gặp nạn, người ta mới đặt câu hỏi tại sao lại có nhiều thuyền tị nạn đến thế.


Chuyện bão


Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, có tới 62% người dân Australia được hỏi ủng hộ ý kiến cho những người di cư có tay nghề tới nước này. Với sự hỗ trợ của những công nhân nước ngoài, Australia đang bổ sung được nguồn lao động thiếu hụt. Tuy nhiên, ngoài vấn đề gây nguy cơ về an ninh, một nỗi lo nữa nảy sinh là việc người nhập cư mua bất động sản ở Australia. Quốc hội nước này hiện cũng đang tranh cãi gay gắt về cách xử lý vấn đề người tị nạn.


Có nghị sỹ Australia đã bật khóc khi nhắc tới vụ thuyền chở người tị nạn bị đắm hồi cuối tháng vừa rồi. Đó là những cảm xúc của tình người, nhưng về mặt pháp lý, nước mắt không thể thay đổi điều gì. Quốc hội Australia vẫn mâu thuẫn, chưa thể tìm ra tiếng nói chung trong việc quyết định số phận những người tị nạn còn sống, trong những vụ mới đây và cả từ trước đó. Vậy nên những người tị nạn vẫn sống trong trại tị nạn, và chắc chắn nơi đó không phải là thiên đường.


Bắt đầu hành trình tị nạn tức là bắt đầu gây bão, gây bão cho bản thân, cho gia đình, cho nơi khởi hành và cho cả điểm đến của người tị nạn. Có thể tìm thấy lời giải của bài toán ngày càng nhiều người vô gia cư lang thang ở Australia trong bài toán về người tị nạn. Rồi thi thoảng lại nghe những cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các trại tị nạn mà không nước sở tại nào muốn mắc phải để bị lên án. Nghiêm trọng hơn, đôi khi vấn đề thuyền nhân lại là cái cớ để nhiều đối tượng vin vào và nói các thuyền nhân ra đi để tìm tự do, dân chủ. Một điều chắc chắn: Thiên đường không bao giờ được tạo ra từ những mục đích đen tối.

Đỗ Vân