09:10 02/09/2020

Nhân 75 năm Quốc khánh 2/9: Xứng danh Thủ đô phát triển năng động, vì hòa bình

Thủ đô Hà Nội đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại và là trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945, đến nay đã  75 năm. Những dấu vết của một thời bom đạn đã dần dần lùi xa, Thủ đô Hà Nội nay đã vươn mình trở thành một đô thị rộng lớn, khang trang, hiện đại. Thành phố cũng trở thành trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.

Chú thích ảnh
Băng rôn, biểu ngữ được trang hoàng dọc tuyến đường trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Sáng Quốc khánh 2/9 năm nay, trời Hà Nội dịu mát, nắng vàng trải khắp mỗi con đường, góc phố. Không cần nhiều đèn hoa trang trí đắt tiền hay biểu ngữ, pano cỡ lớn, đường phố Hà Nội dường như tươi tắn hơn, rực rỡ hơn bởi màu cờ Tổ quốc. Cũng không còn cảnh ồn ào, tắc đường trên các tuyến phố, người dân thư thái tận hưởng một Hà Nội yên bình trong ngày Tết Độc lập.

Thong thả dạo bộ quanh khu vực Quảng trường Ba Đình, ông Nguyễn Tiến Mỹ (phố Phó Đức Chính, quận Bà Đình, Hà Nội) chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô vào năm 1945, được chứng kiến Hà Nội đổi thay từng ngày, từ lúc khu vực nội thành còn khiêm tốn, giờ đây được mở rộng với nhiều tuyến phố to đẹp, những khu đô thị, cao ốc được xây dựng khang trang, hiện đại. Ðời sống người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Những người lứa tuổi như ông Nguyễn Tiến Mỹ đã trải qua biết bao gian khó, mới thấy thành tựu đạt được quả là hết sức to lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Mỹ cũng mong rằng, thành phố cần quan tâm hơn đến quản lý trật tự đô thị, làm thật tốt công tác quy hoạch để giữ được cảnh quan, giữ được hồn cốt ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn đến vấn đề giao thông và môi trường.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Tiến Mỹ, bà Hoàng Thị Hồng, giáo viên nghỉ hưu (Trần Khát Chân, Hà Nội) cho hay: Theo dõi sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong những năm qua, bài thấy Hà Nội ngày càng năng động hơn về phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi thực sự nhanh chóng, to đẹp, khang trang hơn, không kém gì với các thành phố hàng đầu trong khu vực.

Chú thích ảnh
Băng rôn chào mừng 75 năm Quốc khánh 2/9 trên phố Hùng Vương. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Nhưng bà Hoàng Thị Hồng cũng mong muốn bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, thành phố cần có chính sách xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Hà Nội phải giữ được nét cổ kính vốn có - nét đặc sắc riêng của vùng đất này, lưu giữ và phát triển những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, Hà Nội cần tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa của nền văn hóa thế giới, góp phần làm đậm đà thêm văn hóa đất kinh kỳ văn hiến. Văn hóa Hà Nội phải ăn sâu, thấm đẫm trong từng lời nói, hành vi, ứng xử của mỗi người dân Thủ đô, để khi đến Hà Nội, người dân cả nước, khách du lịch nước ngoài đều cảm nhận được dòng chảy của truyền thống ngàn năm văn hiến ngay từ những hành động, việc làm cụ thể của người dân bình dị.

Những năm qua, có thể thấy, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu đều vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Hoạt động đối ngoại được mở rộng; công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Hà Nội luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp từ sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa đúng đắn và hiệu quả. Song song với đó là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được lan tỏa. Nhờ sự ủng hộ của người dân, với tinh thần "Con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương" đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thành tựu đạt được trong hơn 10 năm qua đã giúp Hà Nội thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc.

Chú thích ảnh
Sắc đỏ của cờ đỏ sao vàng hòa cùng nắng vàng của trời thu Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Hà Nội cũng là đầu mối giao thương, kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Thời gian qua, hệ thống hạ tầng tiếp tục được phát triển, quy hoạch được hoàn thiện, với các trung tâm đô thị mới hiện đại như Tây Hồ Tây, hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, các công trình xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo môi trường, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông với các tuyến đường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Thủ đô Hà Nội đã có chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 100%. Nhiều thủ tục hành chính đã thực hiện trên môi trường mạng một cách phổ biến như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp (đạt 100%), kê khai và nộp thuế (trên 95%), hải quan (100%), bảo hiểm xã hội (trên 98%), thanh-toán tiền điện... “Cùng với việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách, Hà Nội đang hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...” -  Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết .

Chú thích ảnh
Qua hơn 30 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trên nền tảng truyền thống tốt đẹp được giữ gìn qua các chặng đường lịch sử và đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới, Hà Nội đã khẳng định hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Không chỉ thể hiện được hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển, Hà Nội đang trên đà phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, vươn lên là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực.

Thủ đô Hà Nội đã và đang thể hiện rõ vai trò là "đầu não" chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, đầu tàu của vùng Thủ đô, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Bộ mặt đô thị khởi sắc từng ngày, mang vóc dáng của một thành phố xanh, văn minh, hiện đại, xứng tầm vị trí đầu tàu, động lực phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Hà Nội có được bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc như ngày hôm nay là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng bộ thành phố. Đặc biệt hơn cả là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển. 

Nguyễn Hoàng  (TTXVN)