11:13 28/11/2016

Nhân tố Xuân Trường và nguy cơ của tuyển Việt Nam

Cả 3 bàn thắng của tuyển Việt Nam ghi vào lưới Myanmar và Malaysia đều có dấu giày của Xuân Trường, nhưng đối với đội tuyển Việt Nam, việc cầu thủ này bị "vô hiệu hóa" không phải là khó khăn duy nhất.

Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng chiến thắng sau trận đấu gặp Myanmar ở Yangon ngày 20/11. Ảnh: EPA/TTXVN

Đội tuyển Việt Nam đã vào Bán kết giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) 2016. Người hâm mộ có lý do để vui mừng. Nhưng nhìn lại hành trình những trận đấu đã qua, không phải không có những lý do khiến chúng ta cảm thấy lo ngại và phải cẩn trọng trước cuộc chiến ở Bán kết.

Có thể nói huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Hữu Thắng đã tung vào sân tất cả những cầu thủ có phong độ tốt nhất đang có trong tay. Điều đó có nghĩa là Việt Nam coi như không còn “vũ khí bí mật” nào với đối thủ. Bất ngờ nếu có sẽ đến từ chính lối chơi và phẩm chất của những cầu thủ mà Hữu Thắng đã dùng cho tới lúc này.

Lối chơi của tuyển Việt Nam cho tới lúc này cũng không khó để nhận diện. Cơ bản là phối hợp bóng ngắn, tìm cách xâm nhập cấm địa đối thủ để dứt điểm ghi bàn và gần như mọi đường bóng tấn công hay phản công nguy hiểm nhất đều bắt buộc phải qua chân của Xuân Trường. Cả 3 bàn thắng của tuyển Việt Nam ghi vào lưới Myanmar và Malaysia đều có dấu giày của Xuân Trường.

Trước Myanmar và Malaysia, Việt Nam đều cầm bóng nhiều hơn và tạo được thế chủ động nhờ có bàn thắng trước. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng bộc lộ vấn đề rất rõ ràng là không thể “sống” thiếu Xuân Trường và phản ứng lúng túng khi bị đối thủ gây áp lực ở tốc độ cao.

Hơn nữa, có những tình huống đầy thử thách mà tuyển Việt Nam vẫn chưa gặp phải. Thứ nhất, Xuân Trường vẫn chưa bị đối thủ “quây”, chưa bị “chăm sóc” đến mức không còn không gian, thời gian để phát huy khả năng chuyền bóng tuyệt hay của mình. Thứ 2, chúng ta cũng chưa bị đẩy vào thế bị động về mặt tỉ số, tức là chưa bị dẫn trước để bắt buộc phải gia tăng áp lực tấn công. Thứ 3, chúng ta vẫn may mắn vì hàng thủ và thủ môn Nguyên Mạnh chưa thực sự bị thử thách bởi những chân sút có chất lượng cao.

Và nữa, tuyển Việt Nam tỏ ra phản ứng khá bị động và lúng túng khi đối thủ bất ngờ gia tăng tốc độ tấn công thay vì đá chậm nhưng đấy mới chỉ là trong một khoảng thời gian còn tương đối ngắn. Vậy nên sẽ không thừa nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi tình huống trước cuộc chiến ở Bán kết.

Nếu phải liên tục chịu áp lực tấn công nhanh của đối thủ thì tuyển Việt Nam sẽ đối phó thế nào? Nếu Xuân Trường bị vô hiệu hóa (một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, nên nhớ thể lực của Trường là không thực sự tốt) thì Việt Nam sẽ triển khai tấn công hoặc phản công kiểu gì? Làm thế nào để giải tỏa áp lực tấn công nhanh của đối phương? Và nếu bị dẫn trước thì chúng ta phản ứng thế nào là hợp lý nhất? Làm thế nào để hạn chế tối đa khoảng trống phía trước hàng thủ và trong vòng cấm mà tuyển Việt Nam đã để lộ ra trong các cuộc chiến với Myanmar và Malaysia?

Indonesia của ông Alfred Riedl có khả năng chơi bóng bổng tốt, tốc độ và thể lực của các cầu thủ cũng rất tốt. Rõ ràng, đó là bài toán không hề dễ giải cho các học trò Hữu Thắng một khi hai đội gặp nhau ở Bán kết. Hãy nhìn sự sụp đổ của Singapore trong hiệp 2 trước Indonesia để thấy đội bóng "Xứ Vạn đảo" có thể gây áp lực ở tốc độ cao đáng ngại thế nào. Hãy nhìn những hiểm họa mà những cầu thủ dù không thực sự sắc bén nhưng rất nhanh và khỏe của Myanmar đã gây ra cho Việt Nam ở hiệp 2 trận ra quân của chúng ta tại AFF Cup năm nay.

Rõ ràng, chúng ta vui vì đã đạt mục tiêu bước đầu nhưng hoàn toàn chưa có lý do gì để quá mừng vì tránh được Thái Lan ở Bán kết. HLV Hữu Thắng còn nhiều việc phải làm để cải thiện hiệu quả thi đấu của đội tuyển.

TTXVN/Tin Tức