08:20 04/08/2015

Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất.

Nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã phê duyệt đề  án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Sau 2 năm thực hiện đề án, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn khi triển khai mô hình bác sĩ gia đình trên cả nước.

Những kết quả bước đầu

Phát biểu tại hội nghị sơ kết Đề án thí điểm Bác sĩ gia đình và xây dựng đề án nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc triển khai đề án bác sĩ gia đình là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hiệu quả mô hình này và Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm hay, phù hợp để áp dụng.


Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện Quận 2 được đánh giá hoạt động khá hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, cho biết sau 3 năm đi vào hoạt động, số bệnh nhân khám, điều trị tại phòng khám bác sĩ gia đình tăng lên theo các năm. Trung bình một ngày, phòng khám bác sĩ gia đình khám cho khoảng 150 lượt, ngày cao điểm lên đến 290 lượt người, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2014. Phòng khám đã giải quyết được nhiều ca bệnh nặng, người cao tuổi. 


Để thu hút bệnh nhân, phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện xây dựng đội ngũ nhân sự có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y học gia đình. Ngoài ra, các bác sĩ còn được đào tạo thêm một chuyên khoa sâu. Ngoài khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ gia đình còn tư vấn, lập hồ sơ bệnh án và chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình người bệnh với mục đích dự phòng.


Theo Sở y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có 20/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ 1 đến 4 phòng khám, do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Cùng với đó có 136/319 trạm y tế đã có phòng khám bác sĩ gia đình với cơ cấu từ 1 bàn khám. Ngoài ra, còn có 1 cơ sởy tế tư nhân đã tham gia mô hình này.

Phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép tại các Trạm Y tế phải nghiên cứu để nâng quả hiệu quả khám, chữa bệnh nhưng cũng không gây lãng phí về trang thiết bị y tế


Đánh giá về kết quả thực hiện đề án này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết sau 2 năm triển khai, hiện trên cả nước có 6 tỉnh đang thực hiện đề án bác sĩ gia đình với 240 phòng khám bác sĩ gia đình, kết quả bước đầu khá khả quan. Theo đó, các phòng khám này đã thực hiện được 3.812 ca cấp cứu, khám chữa bệnh cho 807.720 lượt, thực hiện 12.042 ca thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà 3.094 ca và tư vấn 10.333 cuộc, phục hồi chức năng 87 ca, khám sàng lọc cho 500.919 lượt người.


Xây dựng thông tư hoạt động bác sĩ gia đình

Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đìnhtrạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình… Mô hình hoạt động bác sĩ gia đình tại nước ta hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâmđầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế, bất cập và hiệu quả chưa cao.


"Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn. Việc thành lập phòng khám bác sĩ gia đình còn chưa hấp dẫn đối với tư nhân, nên các phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân còn quá ít. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu đầy đủ về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình bởi hiện nay người dân vẫn hiểu bác sĩ gia đình là bác sĩ đến nhà thăm khám, chữa bệnh", ông Lương Ngọc Khuê cho biết.


Trong khi đó, đại diện Sở y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng hiện mô hình bác sĩ gia đình tại TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn thí điểm, khó khăn nhất hiện nay chủ yếu tập trung tại phòng khám bác sĩ gia đình của trạm y tế. Cụ thể, danh mục thuốc BHYT còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện được các kỹ thuật chẩn đoán lâm sàng; không đủ nhân sự phục vụ tại các phòng khám bác sĩ gia đình do tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh và chưa thu hút được người bệnh do không có BHYT tại trạm. Ngoài ra, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình trong quá trình quản lý bệnh nhân.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để phát huy hiệu quả của các phòng khám bác sĩ gia đình, các phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép tại các Trạm Y tế cần phải nghiên cứu để nâng quả hiệu quả khám, chữa bệnh nhưng cũng không gây lãng phí về trang thiết bị y tế. Để thực hiệu quả đề án này, thời gian tới  các địa phương cần đẩy mạnh đào tạo bác sĩ bộ môn y học gia đình. Song song đó, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư riêng quy định về chuyển tuyến, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, đào tạo... Đồng thời, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, ban soạn thảo phát triển đề án bác sĩ gia đình và xây dựng thông tư hoạt độngbác sĩ gia đình.


Đan Phương ( Tin Tức)