10:00 13/10/2011

Nhân Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng 15/10: Ksor Dơn -“Đứa con của buôn Toát”

Cùng với chính quyền địa phương, Ksor Dơn đang ngày ngày vận động và “kéo” những phận đời lạc lối về với buôn làng, tránh xa kẻ xấu, giúp đỡ hàng trăm hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng một cuộc sống mới...

Ksor Dơn (ảnh) (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được dân làng gọi với cái tên thân mật là “đứa con của buôn Toát”. Cùng với chính quyền địa phương, Ksor Dơn đang ngày ngày vận động và “kéo” những phận đời lạc lối về với buôn làng, tránh xa kẻ xấu, giúp đỡ hàng trăm hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng một cuộc sống mới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ gìn sự bình yên cho các buôn làng.

Về xã Ia Rsươm, không khó để chúng tôi tìm gặp Dơn bởi người già, trẻ con trong buôn đều biết đến và kể vanh vách về ông như một phần máu thịt của dân làng. Ksor Dơn sinh ra và lớn lên ở buôn Toát, xã Ia Rsươn. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Dơn đã từng trực tiếp cầm súng đánh Fulro từ Ayun Pa, Phú Thiện đến Phú Nhơn... Hòa bình lập lại, Dơn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình sinh sống làm việc. Trong thời gian công tác tại địa phương, ông đã đảm nhiệm và công tác ở nhiều cương vị khác nhau. Những năm tháng làm việc tại xã, ông luôn đau đáu trong lòng một nỗi lo trước việc nhiều người dân hiền lành, chất phác trong buôn làng bị kẻ xấu dụ dỗ làm điều sai trái, bỏ buôn, bỏ làng đi theo cái xấu. Và Ksor Dơn luôn trăn trở phải làm sao “kéo những cái đầu u tối ra khỏi vũng lầy”.

Chính vì những trăn trở đó mà trong những năm công tác tại xã, Ksor Dơn đã vận động, thuyết phục được 26 hộ với 180 nhân khẩu ở buôn Toát từ bỏ “Tin lành Đêga”, giúp họ xây dựng đời sống mới. Ksor Dơn chia sẻ: “Cùng với chính quyền địa phương, mình tới gặp những người có uy tín trong làng, người thân trong gia đình có người theo Đêga để họ cùng giúp sức đưa người thân của họ về với gia đình, với dân làng. Mừng nhất là đến nay buôn làng đã “sạch” thứ tà đạo đó rồi, người dân được chính quyền cho phép gia nhập tôn giáo khác nếu có nguyện vọng, tình hình an ninh nông thôn cũng được giữ vững”.

Các học sinh Trường THCS Vừ A Dính (TP. Kon Tum, Gia Lai) biểu diễn điệu cồng chiêng mừng ngày hội. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Những năm tháng làm việc tại xã, những lần vận động thuyết phục người dân nhẹ dạ bị kẻ xấu dụ dỗ, Ksor Dơn đúc kết: “Giữa lúc họ đang tin vào luận điệu xuyên tạc của kẻ thù bên ngoài, mình nhắc đến với sự kỳ thị chỉ khiến họ nổi nóng. Mình chỉ nói đến những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số mà dân làng đang thụ hưởng để họ thấy mà ngộ ra lẽ phải. Vận động được họ rồi, phải tạo điều kiện để họ làm ăn, thoát khỏi đói nghèo thì cái xấu không thể xâm nhập vào cuộc sống của họ được nữa”. Ông kiên trì đến với những con người lầm lạc ấy không phải với tư cách của một cán bộ xã, một Chủ tịch Mặt trận, mà bằng tấm lòng của con người cùng sinh ra, lớn lên, uống chung dòng nước với họ. Sau khi trở về từ sự lầm lỗi, họ không bị dân làng xa lánh, mà còn được tạo điều kiện vay vốn để làm ăn. Nhiều người trong số đó thường lui tới, hỏi ý kiến ông đủ thứ chuyện, nhiều nhất là nhờ ông chỉ vẽ đường hướng làm ăn trong mùa vụ mới.

Không chỉ tham gia vận động nhân dân tránh xa những cái xấu, Ksor Dơn còn giúp các hộ dân trong làng, xã cách làm thủ tục vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, chỉ cách làm ăn cho nhiều hộ dân trong làng thoát khỏi cái đói nghèo, cái lạc hậu. Như hộ Kpă Djer (buôn Phùm Jy, xã Ia Rsươm) là một điển hình. Kpă Djer từng là người “cứng đầu” trong số những người theo cái gọi là “Tin lành Đêga”. Dù Ksor Dơn đã “năm lần bảy lượt” đến tận nhà động viên và khuyên răn từ bỏ con đường sai trái, nhưng Kpă Djer chỉ “lầm lì, im lặng không nghe”. Nhưng với sự chân thành của Dơn, sau nhiều lần lui tới động viên, khuyên bảo, cuối cùng ông đã thuyết phục được Djer rời bỏ cái xấu. Không những thế, mấy hôm sau, Djer còn dẫn theo 5 gia đình từng bị Djer dụ dỗ đi theo tin lành Đêga tới nhà Dơn tự nguyện làm giấy cam kết đoạn tuyệt với thứ tà đạo này. Giữ đúng lời hứa, ông đã giúp Djer vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ có số tiền đó mà từ hai bàn tay trắng, cái đói luôn đe dọa, giờ trong tay Djer đã có tới 6 con bò, nhà đã có của ăn của để, không còn lo đói như trước.

Nhiều người lầm lạc giờ coi Dơn như “người nhà”, ân nhân, như là một phần máu thịt của buôn làng. Nói về những việc đã làm, ông chỉ nói ngắn gọn: “Bác Hồ đã dặn dò đội ngũ cán bộ phải gần dân, sát dân, tận tụy với dân… mình chỉ học tập và làm theo lời Bác”.

Cùng với thời gian, nhiều vùng đất nghèo khó trước đây của tỉnh Gia Lai nay đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của người dân được nâng cao, an ninh được giữ vững. Có được sự đổi thay đó, bên cạnh những chính sách ưu đãi, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn phải kể đến công lao rất lớn của những người như Ksor Dơn - người chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận dân vận.

Quang Thái