04:21 04/04/2012

Nhân ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4-4: Vì cuộc sống bình yên

Bom mìn vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với nhiều người dân, là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia.

Bom mìn vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với nhiều người dân, là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng BMVN do các bên sử dụng. Chỉ tính riêng số BMVN từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tháng 4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504).

Bảo tàng Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Hà Nội) thu hút đông người tới tham quan.


Tại buổi giao lưu “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” vào tối 2/4 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa khẳng định: Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề khắc phục hậu quả BM; đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và hàng năm chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác quý báu của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả của BM còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong thời gian tới, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Theo thống kê, nước ta còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh, trên 20% diện tích đất đai ở nước ta bị ô nhiễm bom mìn và hơn 100.000 người bị chết và bị thương từ sau cuộc chiến tranh. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, hoặc là lứa tuổi tương lai của đất nước, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Thanh Sơn và cháu Nguyễn Vũ Long quê ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) trong đêm giao lưu “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” vào tối 2/4 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), chúng tôi không thể cầm được nước mắt. Chị Sơn kể lại: Trong lúc sang chơi nhà hàng xóm xem “cưa bom”, quả bom phát nổ đã làm cháu Lân gãy xương hàm dưới, đứt động mạch đùi, khó thở. May mắn được cấp cứu kịp thời và được các bác sĩ mở khí quản nên đã cứu sống được cháu, lúc đó Lân mới vừa tròn 6 tuổi. Tai nạn thương tâm đã buộc cháu phải đi học chậm mất một năm và đến bây giờ cháu không thể nói được rõ tiếng.

Trường hợp của cháu Nguyễn Vũ Lân chỉ là một trong hàng ngàn tai nạn thương tâm do bom mìn gây ra mà hậu quả của nó thật đau xót. Ô nhiễm bom mìn đã ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, môi trường, tính mạng đời sống của nhân dân. Hàng năm Chính phủ Việt Nam phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho rà phá bom mìn, cấp cứu hỗ trợ nạn nhân. Đó là chưa tính thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Sau khi chiến tranh kết thúc Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Cùng với việc tiến hành các chính sách, chế độ quy định của Chính phủ, việc xây dựng những năng lực thực hiện cũng được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực. Đến nay đã tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu bom mìn các loại, giải phóng hàng trăm ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân giảm thiểu tai nạn bom mìn. Công tác giáo dục phòng tránh bom mìn được các bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế tích cực triển khai. Hỗ trợ thực hiện, tăng cường nhận thức đúng cho người dân góp phần làm giảm tai nạn bom mìn. Việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng được Bộ LĐ,TB&XH, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư cũng được Chính phủ quan tâm bằng những chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ quốc tế đã được Chính phủ và các tổ chức của Việt Nam quan tâm, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ tài trợ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết: Mục tiêu của Chương trình 504 nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân hòa nhập đời sống xã hội. Chương trình nhằm tăng cường phối hợp liên ngành, tham mưu cho Chính phủ triển khai đồng loạt các hoạt động rà phá bom mìn, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và các hoạt động khác...

Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn. Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn để sau vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ cũng như trăn trở của hơn 80 triệu người dân Việt Nam và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình 504 thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tạo ra động lực thực sự để đạt được mục tiêu của Chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo cho thực hiện chương trình. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các địa phương ở một tầm nhìn xa hơn, thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn để tham mưu cho Chính phủ, các địa phương điều phối năng lực triển khai Chương trình. Thu hút sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ quốc tế đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn