10:11 26/10/2017

Nhân lực ngành du lịch trước thách thức hội nhập

Với tốc độ tăng trưởng lượng khách hơn 20% trong những năm gần đây, ngành du lịch đang cần lớn lực lượng lao động. Cùng với việc thu hút khách, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Mô hình gắn thực hành với lý thuyết tại Trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội.

Nhân lực chưa được đào tạo

Về câu chuyện chất lượng dịch vụ tại điểm đến, anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Neworld Travel dẫn chứng sự việc mất đồ tại Khách sạn Bình Minh (Hải Tiến, Thanh Hóa) vào dịp 30/4 năm trước. Dù camera đã xác định được một đối tượng vào các phòng lấy đồ có giá trị nhưng đáng tiếc là quản lý khách sạn lúc đó cư xử rất thiếu lịch sự, thậm chí còn đòi “xử lý”, chửi bới khách. Sau khi báo chí, truyền thông phản ánh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa có xin lỗi và hứa sẽ tìm ra đối tượng để trả lại khách, tuy nhiên từ đó đến nay bặt vô âm tín.

Trong khi đó, ở thành phố du lịch như Đà Nẵng, chỉ cần gọi đến số điện thoại nóng, cơ sở kinh doanh du lịch “chặt chém”, trộm cắp thì đơn vị đó sẽ bị xử phạt rất nặng. Anh Đặng Thanh Tùng cho rằng: “Chất lượng dịch vụ du lịch quan trọng nhất là yếu tố con người. Một khách sạn 3 sao mà thái độ của quản lý, nhân viên như vậy để lại ấn tượng không tốt với du khách. Thực tế, các khách sạn nơi đây đều làm mùa vụ và nhận người nhà làm việc, không được đào tạo bài bản dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực luôn có vấn đề. Đây là thực trạng chung của cả khu vực miền Bắc và nhiều điểm du lịch mới nổi khác của Việt Nam”.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch về nhu cầu nhân lực, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng hàng năm, chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, đáng báo động trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng. Các con số này cho thấy, nguồn nhân lực du lịch không những thiếu về số lượng lao động nói chung mà còn thiếu trầm trọng đội ngũ có trình độ, được đào tạo bài bản.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Hiện lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 750.000 người, dự kiến tới năm 2020 đạt khoảng 870.000 người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu về số lượng, lại vừa yếu về ngoại ngữ, tin học; khả năng ứng xử, kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, quy mô đào tạo chưa đủ lớn (khoảng 156 cơ sở đào tạo du lịch), năng lực đào tạo chưa đồng đều, ngành nghề đào tạo thiếu, phân bố cơ sở đào tạo chưa thật sự hợp lý; đội ngũ cán bộ giáo viên còn thiếu về số lượng, thiếu kinh nghiệm thực tế; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch.

Kết hợp đào tạo với doanh nghiệp

Ông Trương Nam Thắng, chuyên gia du lịch của Ngân hàng ADB chia sẻ: Trong tổng số lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch, lao động quản lý chiếm khoảng 20%, lao động phục vụ trực tiếp khoảng 80%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 25% lực lượng phục vụ trực tiếp được đào tạo, còn lại chuyển từ các ngành khác sang hoặc làm mùa vụ. Đây là điểm yếu dẫn đến chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập.

Để xóa bớt khoảng cách giữa đào tạo và công việc cụ thể, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã có nhiều nỗ lực để tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp du lịch bằng nhiều hình thức như: cung cấp lao động bán thời gian cho doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển chọn nhân viên ngay trong cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở còn mời đại diện các doanh nghiệp tới trao đổi chuyên môn, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên... Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch hiện nay vẫn chưa được tham gia vào quá trình đào tạo với tư cách là người sử dụng sản phẩm đào tạo để đưa ra tiêu chí tuyển dụng, yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp làm cơ sở để đào tạo.

Ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội cho biết: “Khảo sát về nhu cầu nhân lực du lịch cho thấy đến 90% doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực có kỹ năng nghề và đều phải đào tạo lại. Do đó, trường xác định liên kết với các doanh nghiệp du lịch và các giảng viên từng tham gia chương trình VTOS (chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn châu Âu) với việc tăng thời lượng thực hành tại nhà trường và thực tập tại doanh nghiệp. Việc đào tạo các khóa ngắn hạn 6 tháng đến 1 năm hoàn toàn dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp với cam kết 100% học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.

Tại hội nghị về nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ ngành du lịch mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo, để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, các cơ sở đào tạo phải có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất quy trình nhằm tạo thuận lợi cho những người có kinh nghiệm, chuyên môn cao trong các doanh nghiệp du lịch trực tiếp tham gia giảng dạy.

Bộ VHTTDL đánh giá lại các trường đào tạo du lịch từ trung cấp đến đại học theo hướng chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng kết hợp với những doanh nghiệp du lịch lớn, xây dựng chương trình chuẩn; có phương pháp đào tạo đặc biệt để thu hút dành cho người đã học đại học ở các ngành khác nhưng chưa có việc làm.

Bài và ảnh: Xuân Cường