Hiện nay, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, một trong những công cụ hữu hiệu để giới nghệ sĩ phát huy thế mạnh, thể hiện nét đặc trưng riêng và bảo vệ đặc trưng ấy là sử dụng âm thanh làm nhãn hiệu.
Mở rộng bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Nếu như trước đây, theo cách truyền thống, khi nhắc tới “nhãn hiệu”, mọi người lập tức liên tưởng tới các dấu hiệu nhận biết bằng thị giác như hình ảnh hoặc chữ với sự kết hợp khác nhau của màu sắc thì hiện nay, âm thanh là dấu hiệu nhận diện đang ngày càng trở nên phổ biến trong kỷ nguyên số. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những nghệ sĩ trẻ đang không ngừng tìm tòi, sáng tạo và sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới.
Trong kỷ nguyên số, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội mới cho nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc... sử dụng âm thanh, tạo dựng hình ảnh riêng, đặc sắc. Năm 2025, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đưa thông điệp “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ” trên toàn cầu để bảo vệ tác phẩm âm nhạc không bị sử dụng trái phép, từng bước đưa giai điệu âm nhạc "chuyển mình" tạo dựng nhãn hiệu âm thanh riêng có của cá nhân nghệ sĩ, tác phẩm... góp phần thúc đẩy sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung âm thanh có bản quyền, chính họ biết cách sử dụng âm thanh tạo ra những dấu ấn riêng để vượt qua đối thủ cạnh tranh trong thị trường âm nhạc. Đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi phương thức nghe, thưởng thức, cảm nhận âm nhạc đồng thời ứng dụng âm nhạc một cách hiệu quả vào đời sống mang lại giá trị cho người sáng tạo.
Theo bà Tedla Altaye, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh gặp rất nhiều thách thức. Cơ quan sở hữu trí tuệ của các nước trên thế giới hiện đang nỗ lực cân bằng giữa việc chấp nhận bảo hộ các dấu hiệu âm thanh mang tính sáng tạo riêng và giữ lại những âm thanh mang tính mô tả chức năng là tài sản chung của cộng đồng. Đặc biệt, khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh thì âm thanh phải được trình bày theo cách dễ thẩm định, có giới hạn về dung lượng và kèm theo ký hiệu âm nhạc chính xác và mỗi quốc gia, khu vực có quy định cụ thể về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết thêm, năm 2017, Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh dấu cột mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu, rộng hơn. Để đáp ứng những yêu cầu mới trong hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi năm 2022 đã điều chỉnh một số thể chế, chính sách phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, trong đó có việc lần đầu tiên ghi nhận bảo hộ nhãn hiệu không nhận biết bằng thị giác nói chung và nhãn hiệu âm thanh nói riêng.
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã đưa ra các yêu cầu chung cho việc bảo hộ một dấu hiệu âm thanh làm nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh đó phải thể hiện dưới dạng đồ họa và có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác để việc đăng ký bảo hộ được thành công và phát huy vai trò đặc biệt của nhãn hiệu âm thanh.
Năm 2025, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã chọn thông điệp “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”, qua đó toàn thế giới tôn vinh sự đóng góp của các chủ thể sáng tạo, nhà sáng chế đã mở rộng giới hạn của sự sáng tạo và đổi mới để tạo ra các tác phẩm âm nhạc kết nối công chúng, khơi dậy cảm xúc, định hướng cho sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo hơn. Điều này một lần nữa thể hiện vai trò, tầm quan trọng của nhãn hiệu âm thanh trong đời sống xã hội, đồng thời cũng thể hiện sự gắn kết giữa sở hữu trí tuệ và thế giới âm nhạc.