07:10 14/07/2011

Nhãn hàng riêng - Cuộc đọ sức mới

“Nhãn hàng riêng” - một khái niệm vừa lạ, vừa quen đang được hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam tập trung xây dựng trong vài năm trở lại đây. Phải khẳng định rằng, nhãn hàng riêng ra đời phần nào đã hấp hẫn được người tiêu dùng bởi giá cả và chất lượng;

“Nhãn hàng riêng” - một khái niệm vừa lạ, vừa quen đang được hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam tập trung xây dựng trong vài năm trở lại đây. Phải khẳng định rằng, nhãn hàng riêng ra đời phần nào đã hấp hẫn được người tiêu dùng bởi giá cả và chất lượng; còn các siêu thị vẫn tận dụng được hệ thống phân phối của chính mình, tận dụng được uy tín thương hiệu, giảm chi phí marketing và không phải đầu tư nhiều vào hệ thống sản xuất. Dĩ nhiên, sau đó sẽ là cuộc đọ sức giữa nhãn hàng riêng của các siêu thị, giữa sản phẩm mang danh nhãn hàng riêng và sản phẩm cùng chủng loại của các nhà sản xuất.

Hướng đi đầy lợi thế

Nhãn hàng riêng là công cuộc đầu tư của đa phần các siêu thị lớn, có uy tín, có tiềm lực tài chính, có kênh phân phối rộng khắp và số lượng khách hàng khá “kếch sù”. Trong đó phải kể tới các “đại gia”: Metro Cash & Carry Việt Nam, BigC, Co.opMart,… Trong nhiều năm qua, cùng với việc mở rộng kênh bán hàng, các hệ thống siêu thị này xây dựng nhãn hàng riêng mang thương hiệu của chính mình với hình thức sản phẩm tương đồng với diện mạo của logo. Sản phẩm mang nhãn hàng riêng đa phần là hàng tiêu dùng thiết yếu, có sức mua lớn như thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, hóa mỹ phẩm, may mặc… Đánh giá của các siêu thị cho thấy, sau một thời gian tung nhãn hàng riêng ra thị trường, các sản phẩm riêng đó thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Đó là tiền đề tốt để các siêu thị phát triển nhiều nhãn hàng riêng và mở rộng ở nhiều chủng loại sản phẩm mang tên nhãn hàng riêng.

Người tiêu dùng TP.HCM mua sắm trong hệ thống siêu thị bán lẻ Metro (quận 2, TP.HCM). Ảnh: Thế Anh - TTXVN


Hiện tại, hệ thống siêu thị BigC đang sở hữu 5 nhãn hàng riêng: eBon, Casino, Wow! Giá hấp dẫn, Bakery by BigC và BigC trong đó nhãn hàng BigC mới ra mắt đầu tháng 6/2011. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long cho biết: “Nhãn hàng riêng của siêu thị đáp ứng các phân khúc tiêu dùng khác nhau để khách hàng thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Ví dụ “nhãn hàng Wow! Giá hấp dẫn” là phân khúc hàng nhu thiết yếu, nhãn hàng BigC là phân khúc hàng tiêu dùng thông dụng, nhãn hàng Casino là phân khúc hàng cao cấp”. Sau nhiều năm xây dựng nhãn hàng riêng, đến nay, BigC đang kinh doanh 500 sản phẩm là nhãn hàng riêng, chiếm 1% tổng số sản phẩm đang bày bán tại siêu thị.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Giám đốc chuỗi Co.opMart cũng cho biết: Hệ thống Co.opMart cũng đang kinh doanh trên 150 mặt hàng mang thương hiệu Co.opMart và Saigon Co.op, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng như trứng, trà, nước mắm, nước suối, thực phẩm đông lạnh, thời trang…

Metro Cash & Carry Việt Nam thì thu hút người tiêu dùng bằng một loạt nhãn hàng riêng với nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Ví dụ, nhãn hàng Aro chuyên cung cấp sản phẩm cơ bản gồm hầu hết các hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày với hơn 500 mặt hàng thực phẩm và 200 mặt hàng phi thực phẩm. Nhãn hàng Fine Dreaming cung cấp sản phẩm phi thực phẩm như các loại khăn, giấy, hóa mỹ phẩm, bột giặt…

Cuộc đọ sức mới

Sự ra đời của nhãn hàng riêng được các siêu thị khẳng định tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng và người tiêu dùng được sử dụng nhiều hàng hóa tốt, giá rẻ. Điều đó không sai, nhất là trong điều kiện lạm phát đang ở mức cao như hiện nay. Bằng chứng là nhãn hàng Wow! Giá hấp dẫn của Siêu thị BigC đang rất thành công. Hiện, nhãn hàng Wow! Giá hấp dẫn được cho là rẻ nhất tại Việt Nam, tiết kiệm từ 10 - 70% so với hàng có cùng chất lượng trên thị trường; nhãn hàng BigC rẻ hơn từ 15 - 35% so với thương hiệu dẫn đầu thị trường. Cũng như vậy, nhãn hàng riêng Co.opMart cũng có giá rẻ hơn sản phẩm của thương hiệu dẫn đầu từ 5 - 30%.

Trong khi đó, chất lượng của các nhãn hàng riêng này đều được khẳng định là tốt, là đảm bảo tương đương thương hiệu dẫn đầu trên thị trường. Đại diện các siêu thị cho biết, họ đều có những bước kiểm tra gắt gao chất lượng khi đặt sản phẩm mang nhãn hàng riêng tại các cơ sở sản xuất. Chẳng hạn như siêu thị BigC xây dựng 3 công đoạn chính để kiểm soát chất lượng: đánh giá cảm quan sản phẩm, đặc tính kỹ thuật sản phẩm (đáp ứng yêu cầu của BigC, phù hợp với nhu cầu thị trường và phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam), lựa chọn mặt hàng và nhà cung cấp Việt Nam để sản xuất nhãn hàng. Theo đó, bộ phận kiểm soát chất lượng của BigC thường xuyên kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng cùng các yêu cầu khác đi kèm.

Khi xây dựng nhãn hàng riêng mang thương hiệu Co.opMart và Saigon Co.op, bên cạnh giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, điều quan trọng là phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Do vậy nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đều được sản xuất từ các nhà máy đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng theo quy định và chính siêu thị chịu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Giá rẻ, chất lượng tốt; dĩ nhiên nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn sản phẩm mang nhãn hàng riêng của siêu thị khi đi mua sắm. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long cũng khẳng định: “Nhãn hàng riêng ra đời sẽ là đối trọng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các nhà cung cấp và tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng”. Còn các nhà sản xuất khi làm nhãn hàng riêng đã tự cạnh tranh với chính sản phẩm của mình, giảm cơ hội phát triển thương hiệu thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp thị phần.

Đinh Thị Thuận