07:15 10/07/2021

Nhận định chứng khoán tuần từ 12 - 16/7: Nhiều khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh

Sau thời gian liên tiếp lập đỉnh lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giảm trong tuần qua (từ 5 - 9/7).

Dù lực cầu gia tăng nhanh khi VN-Index giảm về vùng 1.340 điểm, nhưng lực bán trên thị trường vẫn đang áp đảo. Trước diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, trong tuần tới (từ 12 -16/7) thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.

Hình thành xu hướng điều chỉnh ngắn hạn?

Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) nhận định, phiên giảm điểm cuối tuần qua (9/7) khiến hầu hết các chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu về một xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn được hình thành.

Kịch bản giảm sâu hơn về vùng 1.310-1.320 điểm có thể xảy ra trước khi thị trường tìm được điểm cân bằng mới cần được nhà đầu tư lưu ý trong các phiên tới. BOS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên quản lý rủi ro, không giải ngân mới và đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. 

Cũng có nhận định thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau ít thời gian thăm dò cung cầu, VN-Index tiếp tục diễn biến tiêu cực trước ảnh hưởng của phiên sụt giảm mạnh gần đây. Chỉ số thêm lần nữa kiểm tra vùng 1.335 điểm, đồng thời thanh khoản tăng trở lại mức trung bình 50 phiên gần nhất cho thấy có sự giằng co mạnh tại vùng hỗ trợ này.

Tuy nhiên, nhìn chung áp lực bán có phần nhỉnh hơn dòng tiền mua vào cổ phiếu nên thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro suy yếu, sau quá trình thăm dò trên mức 1.335 điểm.

Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng và đề phòng rủi ro đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt, đồng thời nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro để bảo toàn thành quả.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dựa vào mô hình sóng Elliott để đưa ra dự báo cho kịch bản diễn biến thị trường trong tuần tới. Sóng Elliott là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu.

Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

Trên góc nhìn sóng Elliott, sóng tăng 5 có vẻ đã kết thúc để bước vào sóng điều chỉnh với mục tiêu của đợt này quanh 1.210 điểm. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 12-16/7, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp, SHS nhận định.

Theo SHS, các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường lần lượt quanh 1.330 điểm và “ngưỡng tâm lý” 1.300 điểm có thể được thử thách trong tuần giao dịch tới.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đã chốt lãi danh mục trong các tuần trước đó, có thể tham gia giải ngân thăm dò một phần tỷ trọng nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.300 điểm.

Những nhà đầu tư đã hạ tỷ trọng tại các nhịp tăng trong tuần qua, có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để mua vào thêm.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 5- 9/7, VN-Index giảm 73,13 điểm xuống 1.347,14 điểm; HNX-Index giảm 21,28 điểm xuống 306,73 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó, với trung bình khoảng 28.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 8,5% lên 127.223 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 8,4% lên 17.392 tỷ đồng.

Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trong tuần qua đều giảm, chỉ còn cổ phiếu ngành dịch vụ tiêu dùng ở chiều tăng, với mức 2,6% giá trị vốn hoá. Các mã tăng mạnh trong nhóm này như: MWG tăng 12,6%, DGW tăng 9,9%, FRT 5,8%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất, “thổi bay”10,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu giảm mạnh là OIL giảm 17,8%, BSR giảm 17,2%, PVD giảm 16,9%, PVS giảm 16,75%, PVB giảm 16,6%, PVC giảm 16,1%, PLX giảm 8,3%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức giảm 10% giá trị vốn hóa. Các mã giảm mạnh như: HSG giảm 16,4%, DCM giảm 11,4%, DPM giảm 11,1%, NKG giảm 10,5%, HPG giảm 9,6%.

Nhóm cổ phiếu tài chính giảm 7,1% giá trị vốn hóa, do các mã trụ cột trong ngành có mức giảm rất sâu như: VND giảm 13,6%, NVL giảm 13%, SHS giảm 11,2%, HCM giảm 11,7%, BVH giảm 10,2%, SSI giảm 9,2%, VIC giảm 7,6%, VCI giảm 5,5%, VHM giảm 4,7%.

Nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp giảm 5% giá trị vốn hoá, nhóm tiện ích cộng đồng giảm 4,9%, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 3,8%, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm 3,1%, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin giảm 2,5%, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế giảm 1,7%.

Điểm tích cực của tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua ròng 2.545 tỷ đồng.

COVID-19 là rủi ro chính với thị trường châu Á

Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh cũng khá tương đồng với các thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á.

Theo đó, các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên 9/7 do những lo ngại mới về mối đe dọa của các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Mới đây, Nhật Bản đã quyết định cấm người hâm mộ tham gia hầu hết các sự kiện Olympic 2020, khai mạc ngày 23/7. Thủ đô Tokyo, nơi đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic từng bị hoãn năm ngoái do đại dịch, sẽ bị áp đặt tình trạng khẩn cấp trong suốt thời gian diễn ra hai sự kiện thể thao quan trọng này do đại dịch COVID-19.

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại Công ty dịch vụ tài chính IG Asia Pte, chi nhánh của IG có trụ sở tại London (Anh) nhận định, sự bùng phát dịch COVID-19 vẫn là một rủi ro chính đối với khu vực, với Nhật Bản là quốc gia mới nhất áp đặt tình trạng khẩn cấp để hạn chế sự lây lan trước Thế vận hội Tokyo. Điều này cho thấy đà sự phục hồi có thể chậm lại, và tăng trưởng GDP quý III có thể được điều chỉnh thấp hơn.

Chốt phiên cuối tuần qua (9/7), tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 khép phiên giảm 0,6% xuống 27.940,42 điểm, sau khi giảm tới 2,5% trước đó. Chứng khoán Sydney (Australia) giảm 0,9%, còn chứng khoán Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan) giảm hơn 1%.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải đã phục hồi chút ít và đóng cửa ở mức 3.524,09 điểm, còn chứng khoán Hong Kong là điểm sáng hiếm hoi khi chỉ số Hang Seng tăng 0,7% lên 27.344,54 điểm nhờ hoạt động săn hàng giá rẻ. Chỉ số này đã bị sụt 2,9% trong phiên trước đó do những lo ngại về việc Bắc Kinh “mạnh tay” với những “gã khổng lồ công nghệ”.

Trong khi thị trường chứng khoán châu Á diễn biến biến tiêu cực thì chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch ngắn ngày ở mức cao hơn tuần trước, sau khi phiên giao dịch cuối cùng tuần qua (9/7) khép lại với mức cao kỷ lục của cả ba chỉ số chính.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,3% lên mức cao kỷ lục 34.870,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,1% lên mức cao mọi thời đại 4.369,55 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1%, lên 14.701,92 điểm, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục.

Chốt lại tuần này, chỉ số Dow Jones tăng 0,2%, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq đều có mức tăng 0,4%.

Văn Giáp (TTXVN)