06:07 16/06/2012

Nhận định chính sách đối ngoại của Nga qua các chuyến thăm của ông Putin

Từ ngày 31/5 đến 8/6, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 10 ngày, Tổng thống Nga Putin đã lần lượt thăm Bêlarút, Đức, Pháp; chủ trì hội nghị Nga-EU được tổ chức tại thành phố Saint Peterspurg; thăm Udơbêkixtan, Trung Quốc..

Từ ngày 31/5 đến 8/6, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 10 ngày, Tổng thống Nga Putin đã lần lượt thăm Bêlarút, Đức, Pháp; chủ trì hội nghị Nga-EU được tổ chức tại thành phố Saint Peterspurg; thăm Udơbêkixtan, Trung Quốc, tham dự Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng hải (SCO) và sau đó là thăm Cadắctan. Mặc dù thời gian các chuyến viếng thăm của ông Putin lần này diễn ra không dài, song qua các chuyến thăm này có thể nhận diện phương hướng chính sách của nga từ nay về sau.

 

Tổng thống Nga Putin (trái) trao đổi với người đồng cấp Cadắctan Nursultan Nazarbayev ngày 7/6. Ảnh: AFP-TTXVN

Trước hết, việc ổn định, cải thiện và tăng cường quan hệ với các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) luôn là "trọng tâm hàng đầu" trong chính sách đối ngoại của Nga. Bất luận nhìn từ góc độ chính trị địa duyên hay kinh tế, nếu Nga muốn lấy lại vị thế cường quốc thì việc duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng là điều kiện tiên quyết không thể thiếu.

 

Trong thời gian 20 năm sau cuộc Chiến tranh Lạnh, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ luôn tìm cách hạn chế sức mạnh và khả năng ảnh hưởng của Nga bằng cách mở rộng NATO về hướng đông, kích động các cuộc cách mạng màu, li gián Nga với các nước láng giềng khiến cho Nga không có môi trường xung quanh ổn định phục vụ cho việc phục hưng đất nước. Những năm gần đây, trước tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng cùng với việc nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, xu hướng mở rộng NATO về hướng đông bị hạn chế, các cuộc cách mạng màu cũng “mất linh”, không gian để Nga cải thiện và tăng cường quan hệ với các nước đã được mở rộng. Tháng 1/2012, Nga cùng với Bêlarút và Cadắctan chính thức khởi động thành lập không gian kinh tế thống nhất. Từ những cơ sơ trên cho thấy nhiệm vụ trung tâm trên con đường đưa Nga trở thành cường quốc của ông Putin chính là từng bước xây dựng “Liên minh Âu- Á”, duy trì sự ổn định và khôi phục hợp tác hữu hảo giữa các nước SNG.

 

Thứ hai, đường lối đối ngoại coi trọng cả hai hướng đông tây của Nga vẫn chưa thay đổi. Nga là một quốc gia nằm giữa hai châu lục Âu -Á. Mặc dù trong các giai đoạn lịch sử khác nhau có đôi lúc thiên lệch, song trên thực tế đường lối đối ngoại của Nga về cơ bản luôn coi trọng cả hai hướng đông tây. Sau khi trở lại điện Kremlin, ông Putin đã đặc biệt chú ý đến việc phát triển về khu vực viễn đông, đồng thời chú trọng tăng cường mối quan hệ Nga-Trung. Điều này xuất phát từ những tính toán lâu dài là phục hưng kinh tế đưa nước nga trở thành một cường quốc. Trong bối cảnh trọng tâm chính trị, kinh tế thế giới đang chuyển sang hướng đông, việc Nga có một một số động thái như trên là điều hiển nhiên. Song điều này không đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại “coi trọng cả hai hướng đông tây” của Nga đã thay đổi. Do vậy, một số phương tiện truyền thông phương Tây căn cứ vào việc ông Putin từ chối thăm Mỹ, thời gian thăm thăm Đức và Pháp ngắn hơn so với Trung Quốc mà cho rằng Nga “trọng đông kinh tây” là hoàn toàn thiếu căn cứ.

 

Cuối cùng, trong mối quan hệ với các nước phương Tây, Nga luôn duy trì phương châm “dựa vào EU để chống Mỹ”. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ luôn đi đầu trong việc làm cho Nga bị phân hóa, tây hóa, từng bước thâm nhập và kiểm soát không gian chiến lược của Nga. Trong chích sách đối với Nga, xuất phát từ lợi ích kinh tế và an toàn của bản thân, các nước lớn ở châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Italia luôn thực hiện các cách làm khác biệt với Mỹ. Quan hệ Nga-EU mặc dù trải qua những bước thăng trầm, song nhìn về tổng thể mối quan hệ này đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 50% tổng kim ngạch mậu dịch của Nga, trong khi đó Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. EU là đối tác quan trọng không thể thiếu trong công cuộc hiện đại hóa đất nước của Nga. Về phía EU, trong bối cảnh đồng euro chịu áp lực mạnh mẽ từ đồng đô la Mỹ, EU đứng trước những khó khăn về kinh tế tài chính, nhu cầu phát triển quan hệ với Nga ngày càng lớn. Do vậy, cùng có nhu cầu hợp tác với nhau chính là động lực quan trọng đưa mối quan hệ Nga – EU phát triển đi lên. Ông Putin tiến hành thăm hai đối tác thương mại quan trọng Đức và Pháp, đồng thời tham gia hội nghị Thượng đỉnh Nga – EU đã thể hiện rõ tầm quan trọng của mối quan hệ trên.

 

L.H (theo THX)