11:07 13/11/2016

Nhận diện "thủ phạm" gây ngập ở các đô thị lớn

Vấn đề ngập đô thị đã xuất hiện tại nhiều địa phương từ nhiều năm qua, đặc biệt là ở các đô thị lớn trong khu vực, từ đô thị cũ đến những đô thị mới hình thành sau này. Trong đó, việc đi tìm các nguyên nhân mang tính đặc thù của mỗi địa phương để đưa ra hướng khắc phục tận gốc trở nên vô cùng quan trọng.

Phân tích về nguyên nhân ngập ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, ông Nguyễn Vũ Huy, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Đông Nam bộ và phụ cận – Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, có sự khác biệt giữa 3 địa phương; trong đó TP Hồ Chí Minh có những nguyên nhân mang tính đặc thù.

 

Cụ thể, về nguyên nhân khách quan, ngập ở thành phố do triều cường thường xuyên (1 tháng có 2 kỳ triều cường) trong khi vùng đất thành phố thấp nên dễ bị ảnh hưởng. Trước đây thành phố bị ngập còn do xả lũ trên sông Đồng Nai (hồ Trị An), sông Sài Gòn (hồ Dầu Tiếng) nhưng hiện nay nguyên nhân này đã được kiểm soát.

Cảnh ngập trên đường Trần Phú, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Đối với yếu tố địa hình, TP Hồ Chí Minh đang xảy ra tình trạng lún đất (mức lún từ 2 – 4cm/năm), thậm chí cục bộ có nơi còn lún sâu hơn, trong khi kịch bản đến năm 2050, nước biển sẽ dâng 30cm. Cùng với đó, có 75% diện tích thành phố có cao độ dưới 2m, nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường.

 

Cùng với đó, diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi, khiến ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Đáng chú ý, trong 2 ngày 17 và 18/10 vừa qua, đỉnh triều trạm Phú An đã vượt mức 1,68m (vượt mức báo động 3) gây ngập úng do triều trên phạm vi diện tích rộng TP Hồ Chí Minh.

Cảnh ngập tại Bến Ninh Kiều. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngoài ra, thành phố nằm ở vũng trũng thấp của khu vực Đông Nam bộ, nơi tập trung nhiều cửa sông lớn thuộc hệ thống sống Đồng Nai, lại sát với biển nên luôn chịu sự ảnh hưởng biến động từ dòng chảy của sông và triều cường. Mặt khác, hệ thống sông rạch chằng chịt khiến thuỷ triều dễ dàng ảnh hưởng và tạo điều kiện ngập nước.

 

Về nguyên nhân chủ quan, hệ thống thoát nước của thành phố đang quá tải. Đáng lưu ý, quy hoạch đô thị phát triển thiếu kiểm soát, việc bố trí cư dân ở những vùng trũng, thấp, gần sông (khu vực phía Nam thành phố như huyện Nhà Bè, quận 7…) đã đẩy nguy cơ ngập cho chính khu vực dân cư được bố trí. Việc phát triển đô thị, bố trí khu dân cư là việc không thể tránh khỏi, quan trọng là phải quan lý và sử dụng tài nguyên (đất, nước) một cách hợp lý.

 

Trong khi đó, khu vực Bình Dương (Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An), Biên Hòa (Đồng Nai) nằm trên vùng đồi cao, nên khi mưa, lượng nước sẽ tập trung nhanh. Khi đô thị chưa phát triển thì có khoảng trống, cây xanh giữ vai trò vùng đệm thoát nước, làm chậm dòng chảy. Tuy nhiên khi đô thị phát triển, tình trạng bê tông hóa đã làm dòng nước tập trung nhanh, lớn, dễ gây ngập ở vùng thấp cận kề.

Nhiều căn nhà TP. Tây Ninh bị ngập nặng sau cơn mưa. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Vũ Huy, nguyên nhân ngập giữa 3 địa phương cũng có điểm tương đồng. Hạ tầng đô thị; trong đó hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa, sự di dân cơ học chóng mặt, tình trạng lấn chiếm, xả rác làm thu hẹp và bịp dòng chảy diễn ra ngày càng phổ biến.

 

Đại diện Trung Nam Group (chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1) cho rằng, hệ thống tiêu thoát nước của TP Hồ Chí Minh đã cũ, chắp vá, ngay cả hệ thống quản lý và cải thiện cống cũng chưa đồng bộ. Với tốc độ phát triển hiện tại của thành phố, tài nguyên đất và nước đang được khai thác gần như triệt để nhằm phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và xây dựng.

 

Trước năm 1975, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn phục vụ cho khoảng 2 triệu người nhưng đến nay dân số thường xuyên sinh sống, làm việc tại thành phố đã đạt khoảng 13 triệu người, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên trong khi hệ thống cống thoát nước tiết diện nhỏ (toàn thành phố có 3.100 km hệ thống cống thoát nước và trên 65.500 hầm ga với tiết diện trung bình từ 600mm - 800mm) chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời.

 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát thực tế tại các quận, thường trực UBND thành phố nhận định, tình trạng ngập nặng do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân mưa và do triều cường. Đồng thời, thời gian qua việc quản lý các công trình thoát nước còn có vấn đề, nên các quận huyện sẽ phải xem xét lại tất cả các điểm ngập, các tuyến đường bị ngập để có trách nhiệm xử lý và nỗ lực nhiều hơn nữa.

 

PGS.TS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng, diện tích ao hồ, kênh rạch bị san lấp tăng lên khiến khả năng thoát nước tại chỗ của khu vực này bị giảm xuống trong khi diện tích bê tông hóa do thi công dự án nhiều thêm khiến lượng nước chảy trên bề mặt không thoát kịp vào lòng đất. Trong vòng 15 năm trở lại đây, 47 con kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đã biến mất, gồm rạch Ông Kích, Bà Lài, rạch Cụt, Đầm Sen, Ao Sen… với tổng diện tích 16,4ha, việc san lấp 7,4 ha hồ Bình Tiên càng khiến khả năng chứa nước của hệ thống ao hồ, vùng ngập nước của thành phố giảm 10 lần.

 

Đánh giá về nguyên nhân ngập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề ngập ở TP Biên Hòa; trong đó có nguyên nhân về tầm nhìn quy hoạch, một bộ phận người dân thiếu ý thức thường xuyên xả rác gây tắc nghẽn cống rãnh và vấn đề quản lý chưa tốt.

 

Hiện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan của tỉnh làm việc với các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành liên quan, có chức năng quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật tại địa phương, nhất là cơ quan quản lý các tuyến đường giao thông đi qua địa bàn TP Biên Hòa, như Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 51, đường Võ Nguyên Giáp... để tránh xảy ra tình trạng ngập nước tại các điểm ngập trên địa bàn. Hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương có biện pháp tháo gỡ, xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền của địa phương, nhằm giúp xử lý tình trạng ngập nước trên các tuyến giao thông trên địa bàn.

 

TTXVN/Tin Tức