08:08 14/08/2017

Nhận diện rủi ro cho vay tại các ngân hàng - Bài 2: Thẩm định cho vay còn nhiều kẽ hở

Quy trình thẩm tra, thẩm định cho vay tại các ngân hàng hiện nay còn nhiều kẽ hở, nhất là quy trình thẩm tra, thẩm định các tài sản đảm bảo trả nợ vay của các doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nhận diện các rủi ro pháp lý có liên quan đến hoạt động cho vay tại các ngân hàng là điều vô cùng cần thiết nhằm giúp các ngân hàng và nhân viên ngân hàng thêm hiểu biết về các kiến thức pháp lý có liên quan đến hoạt động cho vay, cảnh giác và hạn chế các loại rủi ro này để họ tự bảo vệ mình và bảo vệ cho những người có liên quan.

Theo LS Vũ Quyết Tiến, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh và Luật sư của Trường Doanh nhân Bizlight, rủi ro pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay của ngân hàng tại các khâu hoặc giai đoạn nào cũng quan trọng, vì đó là nhũng giai đoạn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, quan điểm của bản thân luật sư Tiến, khâu quan trọng và chứa nhiều rủi ro nhất là "quy trình thẩm tra, thẩm định các tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp”.

LS Tiến cho biết thêm, quy trình này vô cùng quan trọng, bởi lẽ ngân hàng sẽ biết được giá trị tài sản này có giá trị như thế nào để cân nhắc quyết định cho vay với hạn mức nhất định dựa trên giá trị tài sản. Điều này đảm bảo cho các ngân hàng xử lý thu hồi nợ trong trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản vay và cũng đảm bảo được các tài sản đảm bảo này có giá trị nhất định khi ngân hàng tiến hành xử lý các tài sản.

Việc thẩm định, thẩm tra hồ sơ hiện nay tại các ngân hàng vẫn còn nhiều thiếu sót.

Bên cạnh đó, trong trường hợp khối lượng tài sản lớn cần thận trọng khi tiến hành thẩm định, ngân hàng có thể thiết lập các quy trình thẩm tra kỹ hơn, thuê đơn vị thẩm định tài sản độc lập để đánh giá toàn diện hơn khối tài sản đảm bảo. Thêm nữa, quy trình giám sát hoạt động cho vay cũng rất cần thiết vì mục đíchđảm bảo số tiền vay được sử dụng đúng mục đích theo đúng phương án kinh doanh mà ngân hàng đã thẩm tra, đánh giá tính khả thi.


Quy trình này cũng giúp các ngân hàng kịp thời phòng ngừa các rủi ro, hậu quả khi có nguy cơ xảy ra làm thất thoát hoặc thiệt hại cho ngân hàng. Nếu buông lỏng quy trình này sẽ dễ dàng dẫn đến các sai phạm và kéo theo nhiều hệ luỵ gây thiệt hai vô cùng nghiêm trọng”, LSTiến nhấn mạnh.


Theo đó, Ngân hàng thương mại (NHTM) phải bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ về tài chính hoặc thu thập các thông tin trên các phương tiện truyền thông để nắm bắt đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp, kịp thời có kế hoạch kiểm soát phù hợp, phòng ngừa rủi ro hậu quả cho ngân hàng.


Tuy nhiên quy trình dù cho chặt chẽ như thế nào thì yếu tố con người (phẩm chất đạo đức) tham gia các quy trình này là vô cùng quan trọng, bởi lẽ nếu các cá nhân cố ý thực hiện hành vi phạm tội với sự tiếp tay, hay giúp sức của các cá nhân khác thì quy trình sẽ dễ dàng bị bẻ gãy và chắc chắn sẽ gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng và thiệt hại đáng kể.


Ngoài ra, TS.LS Bùi Quang Tín cũng cho rằng, còn có rủi ro sở hữu chéo, đây là rủi ro đến từ những công ty "sân sau" của nhau để cho vay. Tuy nhiên, theo LS Trần Viết Quân, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, LS của Bizlight, ngoài những rủi ro trên, thì quản trị rủi ro tín dụng cũng rất quan trọng. Bởi theo dự thảo luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung bàn về quản trị rủi ro.


Trong đó, quy định yêu cầu các NHTM phải có quy trình quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị rủi ro tín dụng chặt chẽ hơn nữa để phù hợp với chuẩn mực trong Basel 2, thậm chí là Basel 3Điều đó có nghĩa, quản trị cho vay của các NHTM hiện nay là rất yếu trong điều kiện pháp luật ngân hàng ngày càng hoàn thiện, theo đó các rủi ro về pháp lý trong cho vay tại các NH là luôn hiện hữu. 


Một vấn đề lớn khác đang được bàn rất nhiều là xử lý nợ xấu. Theo các chuyên gia kinh tế, nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội đã được ban hành và sẽ có hiệu lực vào 15/8/2017. Tuy nhiên, cũng phải chờ việc ban hành thông tư của các bộ ngành có liên quan để nghị quyết này đi vào cuộc sống.


Theo Nghị quyết, vấn đề là trách nhiệm pháp lý của những người gây ra nợ xấu thì vẫn còn, tức là trách nhiệm về hình sự và dân sự của người đó vẫn phải có và nhà nước vẫn xử lý.


Do đó, luôn có sự mâu thuẫn nhau giữa việc phải giải quyết nhanh nợ xấu và người giải quyết nợ xấu, hay có liên quan đến nợ xấu thì cũng phải gánh các trách nhiệm về các món nợ xấu mà chính họ gây ra.


Hải Yên/Báo Tin Tức