03:20 17/03/2020

Nhân dân đồng tình việc đóng cửa các dịch vụ giải trí để phòng dịch COVID-19

Nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch COVID-19, không để bùng phát thành ổ dịch, rất nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các quán bar, vũ trường, karaoke, các di tích, danh lam thắng cảnh.

Đây được coi là động thái quyết liệt của các tỉnh, thành phố khi dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chủ trương này được các cơ sở kinh doanh đều nghiêm túc chấp hành, chấp nhận thiệt hại kinh tế để chung tay phòng, chống dịch COVID-19; nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Chú thích ảnh
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP Hồ Chí Minh) không còn nhộn nhịp như trước đây do nhiều hàng quán beer club, quán bar tạm ngưng hoạt động để chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TXTVN

Vào cuộc quyết liệt, không để dịch lây lan

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hàng nghìn cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó quận Cầu Giấy có 56 cơ sở, quận Đống Đa có 37 cơ sở, quận Hai Bà Trưng có 37 cơ sở karaoke, quận Hoàn Kiếm có 16 cơ sở karaoke và 50 quán bar… Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như các quận, huyện, thị xã đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường tạm dừng đón khách, phun khử khuẩn.

Theo đó, các quận, huyện, thị xã đã tiến hành việc kiểm tra thực hiện theo đúng chức năng quản lý, nhắc nhở các cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong các ngày qua, đặc biệt từ ngày 15 - 17/3, các quận, huyện đồng loạt tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở còn thực hiện chưa nghiêm túc. Đến nay, đa phần các cơ sở đã dừng hoạt động.

Thành phố Hà Nội cũng thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành đang tiến hành kiểm tra các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan đến văn hóa.

UBND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, massage, rạp chiếu phim, điểm cung cấp trò chơi điện tử tạm thời dừng đón khách sử dụng dịch vụ. Quyết định trên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân, chủ các cơ sở kinh doanh vì việc tập trung đông người dễ dẫn tới nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, khó kiểm soát trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trần Song cho biết, hiện các cơ sở kinh doanh những loại hình dịch vụ giải trí trên đều chấp hành nghiêm quy định tạm thời đóng cửa hoạt động. Công an thành phố Huế và chính quyền các phường cũng tiến hành giám sát, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy định này.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã quyết định tạm thời không đón khách vào tham quan tại các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh. Nhiều địa phương vận động người dân hạn chế tổ chức tiệc cưới, hỏi tụ tập đông người. Các khách sạn, nhà hàng cũng được yêu cầu tạm thời không nhận hợp đồng tổ chức cưới hỏi, các sự kiện tập trung đông người.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng chia sẻ: UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định tạm dừng các hoạt động kinh doanh karaoke; quán bar, vũ trường; trò chơi điện tử; dịch vụ massage từ ngày 15/3. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp nên việc tạm ngưng các hoạt động kinh doanh giải trí tập trung đông người để cùng cộng đồng tập trung ứng phó với dịch bệnh là hành động cần thiết. Thời gian đình chỉ từ ngày 15/3 đến khi cơ quan y tế có thẩm quyền công bố đã khống chế được dịch bệnh hoặc Chủ tịch UBND thành phố ra văn bản hủy bỏ quyết định này. Việc thực hiện đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ được giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức hướng dẫn, thực hiện và kiểm tra giám sát, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành.

Ngay trong chiều 17/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp khẩn với các sở, ngành bàn giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định tạm ngừng tất cả các dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ tập trung đông người trên địa bàn tỉnh như karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, điểm massage, spa, phòng tập thể hình. UBND tỉnh Đồng Nai giao các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo đúng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp nhân dân nhận biết các biện pháp phòng, chống dịch; vận động các tầng lớp nhân dân hạn chế tổ chức tiệc cưới, đám giỗ và tiệc tùng đông người…

Chấp nhận thiệt hại kinh tế để đảm bảo sức khỏe cộng đồng

Chú thích ảnh
Vũ trường New Phương Đông (Đà Nẵng) đã treo thông báo tạm dừng hoạt động để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Ở các địa phương, qua theo dõi, kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã nhanh chóng chấp hành quyết định tạm ngừng hoạt động. Thực tế là nhiều cơ sở kinh doanh đã có thông báo tạm dừng hoạt động từ trước khi địa phương ra quyết định tạm dừng hoạt động để phòng dịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cơ bản các di tích và cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa chấp hành tốt.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hai Bà Trưng Phạm Thị Hiền cho biết: Việc kiểm tra được thực hiện ngay từ cuối tuần qua. Sau khi phát hiện một vài cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc, lực lượng chức năng của quận đã nhắc nhở, yêu cầu các chủ cơ sở cam kết ngừng đón khách và đến thời điểm này các cơ sở đã đóng cửa triệt để. Không chỉ yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke, quận Hai Bà Trưng còn yêu cầu các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử đóng cửa. Các cơ sở kinh doanh karaoke đóng cửa triệt để nhưng tại một số ngõ ngách có thể vẫn còn một số cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử lén lút hoạt động. Để xử lý tình trạng này, các phường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. 

Tại quận Hoàn Kiếm, sau chỉ đạo các quán bar, vũ trường, karaoke tạm dừng đón khách, liên ngành quận Hoàn Kiếm và 18 phường trên địa bàn quận thường xuyên kiểm tra. Riêng đội kiểm tra liên ngành văn hóa quận thực hiện kiểm tra 3 - 5 buổi mỗi tuần. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc, đội kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu đóng cửa. 18 phường thực hiện quản lý chặt chẽ các cơ sở này và đến thời điểm hiện nay, cơ bản các cơ sở thực hiện tốt.

Qua hơn 4 ngày triển khai, đến nay nhìn chung các chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ giải trí ở thành phố Huế đều nghiêm chỉnh chấp hành. Tuyến phố đi bộ ở trung tâm thành phố Huế nằm trên các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu là nơi tập trung nhiều quán bar phục vụ khách du lịch. Theo quan sát của phóng viên, nhiều quán bar đã tạm thời đóng cửa, sẽ mở trở lại vào thời điểm thích hợp.

Anh Lê Trọng Tình, chủ cơ sở Cheer Restaurant - Bar ở số 30 đường Võ Thị Sáu, thành phố Huế cho biết: Trước đây, mỗi ngày cơ sở này đón từ 300 - 400 khách, phần lớn là khách nước ngoài. Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng khách giảm mạnh, cơ sở đã quyết định tạm thời đóng cửa một thời gian. Điều này có thể ảnh hưởng về kinh tế nhưng là biện pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Đây cũng là thời điểm để quán tiến hành sửa sang, đầu tư mới nhằm phục vụ du khách tốt hơn khi mở cửa trở lại.

Theo ghi nhận trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, một số quán karaoke, vũ trường, quán bar lớn như karaoke Idol, vũ trường New Phương Đông; quán bar TV Club... đã chủ động đóng cửa và treo bảng thông báo tạm ngưng hoạt động từ trước khi có quyết định của UBND thành phố để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán karaoke, cà phê ở các tuyến đường trung tâm thành phố thường tập trung nhiều khách hàng đến ăn uống, vui chơi, giải trí cũng đã treo biển tạm nghỉ để chống dịch COVID-19 bằng cả tiếng Anh và Việt. Các hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, massage đã ngừng hoạt động để đối phó với COVID-19.

Một chủ quán trò chơi điện tử trên đường Trần Cao Vân (Đà Nẵng) chia sẻ, ngay sau khi được thông báo tạm ngưng hoạt động để tránh tập trung đông người nhằm phòng dịch COVID-19, quán đã thực hiện đóng cửa, tổ chức vệ sinh phòng vi tính để phòng dịch bệnh. Đây là việc làm cần thiết lúc này để bảo vệ sức khỏe cho mình và cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp, tính đến chiều 17/3, trên địa bàn tỉnh chưa có ca nào mắc COVID-19 nhưng các đơn vị không được phép lơ là, phải tập trung cao độ để kịp thời ứng phó với các tình huống.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị mỗi huyện cần chuẩn bị một khu cách ly, theo phương châm 4 tại chỗ; bố trí cách ly trong tình huống có nhiều người dân đi từ vùng có dịch về nước. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 phải tiến hành điều trị tại chỗ, không tập trung về tuyến tỉnh.

PV TTXVN tại các địa phương