10:17 12/10/2021

Nhà xe đường bộ ‘nhấp nhổm' chờ các địa phương mở cửa vận tải

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 1777 kèm theo hướng dẫn về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, áp dụng thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10 trên toàn quốc. Điều này đã giúp “cởi trói” cho các doanh nghiệp vận tải sau thời gian dài “đóng băng”. Tuy nhiên, việc triển khai thì vẫn còn nhiều "trăn trở"...

“Và con tim đã vui trở lại”

Anh Cáo Bá Hùng, lái xe nhà xe Đồng Lợi (Hà Nội) cho hay, doanh nghiệp vận tải Đồng Lợi đã phải tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 5/2021 đến nay. Hàng chục đầu xe của công ty đắp chiếu trong bãi xe, người lao động mất việc, không có thu nhập, cuộc sống lao đao. “Nghe thông tin Bộ GTVT bắt đầu cho phép hoạt động tạm thời từ ngày 13/10, hầu hết lái, phụ xe trong công ty đều phấn khởi. Việc nhiều hành khách gọi điện thời đặt chỗ từ 3-4 ngày nay lại càng khiến anh em lái xe chúng tôi vui hơn”, anh Hùng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Nhà xe đường bộ ‘nhấp nhổm” chờ các địa phương mở cửa vận tải.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định tại các địa phương đều nhiệt tình ủng hộ quyết định của Bộ GTVT, mong chờ vận tải khách đường bộ sớm được hoạt động trở lại. Theo kế hoạch của Bộ GTVT, trong thời gian tạm thời thí điểm, doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT địa phương công bố và giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, mặc dù Bộ GTVT đã ban hành quy định như vậy, nhưng đến thời điểm này, các ngành chức năng địa phương vẫn chưa có động thái. Theo đại diện một số Sở GTVT, các địa phương vẫn đang lên kế hoạch, phương án, quan trọng là đầu tuyến và cuối tuyến vận tải có đồng ý tiếp nhận vận tải hay không? Vì quy định của Bộ GTVT nêu rõ: Hai đầu tuyến vận tải khách đường bộ phải có sự thống nhất của UBND các địa phương, sau đó mới thống nhất về tần suất, các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Do đó, các doanh nghiệp vận tải khách vẫn đang ngóng chờ quyết định từ các địa phương.

Hà Nội mở lại những tuyến vận tải khách liên tỉnh nào từ ngày 13/10?

Với riêng Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải công cộng hoạt động từ ngày 13/10. Văn bản số 4543 do ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký, nêu rõ: Đối với vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy cho phép mở lại một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ bằng xe ô tô.

Cụ thể, các tuyến đề xuất gồm: Đi đến các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Tổng số chuyến bằng 5% số chuyển của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được Sở GTVT công bố. Thời gian thực hiện từ ngày 13/10/2021 đến ngày 20/10/2021.

Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách công cộng. Trong đó, xe buýt được phép hoạt động 50% biểu đồ chạy xe. Xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ được phép hoạt động 50% số lượng phương tiện được Sở GTVT cấp phù hiệu còn hiệu lực.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện hỏa tốc về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Công điện được gửi tới bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng cho rằng, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo Quyết định 1777, Bộ GTVT áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến xe đi hoặc bến xe đến nằm trong địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi/đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc. Đối với các địa phương/khu vực nguy cơ và bình thường mới thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Riêng đối với hành khách khi đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19). Đồng thời, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng".

Ngoài ra, hành khách phải kê khai thông tin vào danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe. Khi ở trên phương tiện hành khách phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc. Trong quá trình di chuyển từ bến xe, điểm đón, trả khách về nơi cư trú, lưu trú hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.

Chú thích ảnh
Vân Sơn/Báo Tin tức