04:06 07/04/2018

Nhà vệ sinh bệnh viện vẫn là nỗi sợ của người bệnh

Nhà vệ sinh bệnh viện đang là nỗi sợ của nhiều người khi cơ sở vật chất rất cũ kỹ, không đủ trang thiết bị, thậm chí vẫn còn tình trạng bốc mùi, nhếch nhác… là nơi bắt buộc lắm mới phải vào.

Nhiều người đến bệnh viện không sợ bệnh bằng sợ nhà vệ sinh bệnh viện, thậm chí nó còn trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Việc thiếu trang thiết bị vệ sinh, bốc mùi xú uế… tại các khu vệ sinh vẫn còn tồn tại ở nhiều bệnh viện.

Nhà vệ sinh nhếch nhác tại Khu khám bệnh Bệnh viện K cơ sở 1.

Đến Bệnh viện K Trung ương cơ sở 1, đi lòng vòng, tìm chóng mặt mới thấy một khu vệ sinh cạnh Khu khám bệnh tự nguyện. Ngoài việc phải mất 2.000 đồng tiền vé vào thì nhiều người từ trong đi ra vẫn phải lắc đầu, nhăn mặt vì mùi hôi và sợ bẩn. Trong khu vệ sinh tồi tàn của nữ có một dãy ngồi được xây bằng xi măng cũ kỹ, đã ố vàng và nồng nặc mùi khai, mùi hôi do nhiều người không dội nước lại chẳng có nhân viên làm vệ sinh. Phía ngoài chỉ có 2 xô nước to để dội và một chậu rửa đã sập xệ, chẳng có xà phòng rửa tay.


Chị Vũ Thu Mai (Đống Đa, Hà Nội), người nhà bệnh nhân ở trong đi ra lắc đầu: “Bí lắm mới phải đi vệ sinh trong bệnh viện chứ tôi rất sợ vì hôi và bẩn. Như khu vệ sinh này có thu tiền mà chẳng thấy xứng đáng chút nào. Thậm chí, tôi còn chẳng tin tưởng nước rửa trong nhà vệ sinh này có sạch hay không, nước rửa tay thì không có”.


“Khủng khiếp nhất là đi vệ sinh trong bệnh viện, cứ vào đây là tôi phải đeo khẩu trang, nhắm mắt nhắm mũi cho xong, thế mà lần nào đi ra cũng có cảm giác gai người vì mùi hôi”, bà Vũ Thị Liên (ở Hải Phòng) đi chăm người nhà chia sẻ.

Nhà vệ sinh tại Khu khám bệnh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn còn cũ kỹ, để giấy thải ở ngay trên bề măt.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhà vệ sinh của khoa Khám bệnh tuy không đến nỗi quá nhếch nhác nhưng cơ sở vật chất vẫn còn cũ kỹ, khu đi vệ sinh chung phía ngoài vẫn còn bốc mùi vì không được dội sạch, túi đựng giấy thải để ngay trước mặt, phía trong cũng không có giấy vệ sinh.

Hộp đựng giấy vệ sinh đã rỉ sét.

“Tôi phải đứng xếp hàng chờ để dùng vệ sinh phía trong, khu đi chung bên ngoài chỉ cần ai quên dội nước là bốc mùi khó chịu ngay. Nhà vệ sinh bệnh viện muốn sạch phải luôn có đủ trang thiết bị, luôn có nhân viên vệ sinh dọn dẹp vì hàng trăm người sử dụng hàng ngày, không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung”, chị Nguyễn Thị H. (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) góp ý.


Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh dù nó có ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh khi vào bệnh viện. Nhất là tình trạng quá tải vẫn còn phổ biến, việc chưa đầu tư đúng mức cho các khu vệ sinh như: Thiếu nước, thiếu giấy vệ sinh, thiếu người lau dọn… cùng với ý thức vệ sinh chung kém của không ít người dễ khiến mất mỹ quan của bệnh viện, gây ác cảm với bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh bệnh viện vốn được xem là ổ vi trùng nguy hiểm; vì thế nếu không được dọn dẹp sạch sẽ sẽ gây ra vô vàn bệnh nguy hiểm.


Theo một cuộc khảo sát về sự hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế công bố vừa qua cho thấy nhà vệ sinh bệnh viện đạt chỉ số hài lòng của người bệnh thấp nhất, chỉ đạt 3,58/5 điểm.


Dù Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện nhưng hiện nay, rất nhiều bệnh viện hiện vẫn chưa đạt. Cụ thể, trong bảng tiêu chí “Bệnh viện vệ sinh” kèm theo công văn 288/KCB-ĐD, có các tiêu chí đánh giá như: Có nhân viên làm vệ sinh theo quy trình và lịch do bệnh viện quy định; buồng vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh cho người bệnh sử dụng; buồng vệ sinh có bồn rửa tay, có nước sạch thường xuyên có xà phòng, khăn lau tay. Buồng vệ sinh có đủ ánh sáng, có quạt hút mùi hoặc thông khí tự nhiên; nền nhà vệ sinh luôn khô, sạch và không có mùi hôi… Tuy nhiên, trên thực tế, ít bệnh viện đã làm được theo những tiêu chí này.

Nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ của Bệnh viện E. 

Mặc dù vậy, gần đây, một số bệnh viện đã có nhận thức tích cực xây dựng nhà vệ sinh sạch, đẹp hướng đến làm hài lòng người bệnh. Đơn cử như Bệnh viện E đã mạnh dạn đầu tư khoản tiền gần 600 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà vệ sinh khang trang, và trở thành điểm sáng trong xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp.


GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: “Câu chuyện vệ sinh ở bệnh viện trước đây vẫn được coi là chuyện nhỏ nhưng thực sự đó không phải chuyện nhỏ. Đã đến lúc cần xóa bỏ tâm lý nhà vệ sinh trong bệnh viện là nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân và nguời nhà… Thậm chí, còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nhà vệ sinh bệnh viện bẩn và có mùi hôi. Việc xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo còn phòng được các bệnh lây qua đường tiêu hóa, giảm nhiễm trùng bệnh viện”.


Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó có tiêu chí người bệnh phải được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ với đầy đủ các phương tiện và các quy định kèm theo từng mức đánh giá chất lượng bệnh viện theo chất lượng nhà vệ sinh. Việc đảm bảo vệ sinh, môi trường xanh - sạch - đẹp đã trở thành một tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Đặc biệt, sắp tới các bệnh viện hướng tới tự chủ hoàn toàn, những bệnh viện làm hài lòng người bệnh thì mới có nhiều “khách hàng”.


TN/Báo Tin tức