08:11 15/08/2011

Nhà thầu Trung Quốc tại Hải Phòng bị phạt 6 triệu USD

Bộ Công Thương cho biết: Nhà thầu EPC (Trung Quốc) trong Dự án sản xuất phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng) đã chấp nhận chịu phạt 6 triệu USD do vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng.

Bộ Công Thương cho biết: Nhà thầu EPC (Trung Quốc) trong Dự án sản xuất phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng) đã chấp nhận chịu phạt 6 triệu USD do vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng.

Công nhân Nhà máy DAP đóng gói sản phẩm phân bón. Ảnh: baohaiphong.com.vn

Cụ thể: Nhà thầu Trung Quốc đã thi công dự án chậm tiến độ, sản phẩm phân bón DAP được sản xuất ra không đạt tiêu chuẩn 1846 như thiết kế ban đầu và định mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn cam kết.

Bộ Công Thương cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Dự án được nghiệm thu có điều kiện để bàn giao cho chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Hiện các bên đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để việc nghiệm thu và bàn giao được tiến hành sớm nhất.

Dự án Nhà máy DAP số 1 là dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, được xây dựng trên diện tích 72 ha, với dây chuyền sản xuất hiện đại có mức đầu tư hơn 172,3 triệu USD, công suất 330 nghìn tấn/năm. Nhà máy được khởi công ngày 27/7/2003, ký hợp đồng EPC từ năm 2005 và thực sự được đẩy mạnh thi công từ năm 2007.
Ngày 11/4/2009, Dự án đã cho ra mẻ sản phẩm phân bón đầu tiên, nhưng việc nghiệm thu và bàn giao nhà máy giữa các nhà thầu chính (Trung Quốc), các nhà thầu phụ và chủ đầu tư là Vinachem gặp rất nhiều khó khăn do dự án triển khai trong thời gian khá dài và nhà thầu EPC bị lỗ (do giá vật liệu và thiết bị biến động). Trong khi đó, nhà thầu chính lại không có đủ khả năng tài chính để trả phần bù giá cho các nhà thầu phụ nên nhiều nhà thầu phụ không chịu hoàn thiện nốt các phần công việc còn lại. Đặc biệt, công tác nghiệm thu giữa Vinachem và nhà thầu chính đang vấp phải vướng mắc lớn nhất là do sản phẩm DAP sản xuất ra không đạt tiêu chuẩn 1846 như thiết kế ban đầu.

Chính vì vậy, trong hơn 2 năm kể từ khi cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên, Nhà máy luôn hoạt động trong tình trạng cầm chừng; riêng năm 2010 nhà máy chỉ hoạt động với 30% công suất.

Kim Anh