06:18 24/06/2019

Nhà sản xuất vũ khí Mỹ hưởng lợi khi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng

Những lo ngại về xung đột ở Trung Đông liên quan Iran, bên cạnh việc châu Âu mạnh tay hơn cho chi tiêu quốc phòng, đã giúp nhiều nhà sản xuất vũ khí Mỹ được hưởng lợi, bất chấp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu thời gian qua.

Chú thích ảnh
Mô hình máy bay Dassault Rafale được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở Le Bourget, Pháp, ngày 17/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Triển lãm hàng không Paris Airshow vừa qua tại Pháp, các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing, Lockheed Martin cho biết, nhu cầu của các nước châu Âu về vũ khí Mỹ như máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không và các loại vũ khí khác ngày càng gia tăng. Các nước châu Âu giờ đây đang quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, điều mang đến nhiều cơ hội tốt cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.

Ông Rick Edwards - đại diện lãnh đạo tập đoàn Lockheed Martin cho biết: “Châu Âu đã trở thành thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới về nhập khẩu vũ khí”. Nếu như những năm trước đây, tại Triển lãm hàng không Paris không có nhiều hợp đồng mua bán vũ khí lớn được ký kết thì năm nay tình hình đã khác. Theo ông Edwards, các tranh chấp thương mại giữa chính quyền Mỹ và châu Âu không ảnh hưởng đến nhu cầu của các nước châu Âu về các loại vũ khí Mỹ.

Đại diện của nhà sản xuất vũ khí Raytheon, Ralph Acaba, cũng xác nhận sự thay đổi trên: “Hiện tại thị trường châu Âu có tầm quan trọng rất lớn đối với chúng tôi”. Ông cũng cho biết thêm: “Việc tăng cường chi tiêu quốc phòng là một sự thay đổi lớn trong những năm qua, nhất là trong 18 tháng qua”.

Theo các nhà sản xuất vũ khí, các nước châu Âu bắt đầu gia tăng chi tiêu quốc phòng từ năm 2014 sau sự kiện bán đảo Crimea sát nhập vào Nga, khi đó các thành viên NATO đã nhất trí gia tăng chi tiêu cho lĩnh vực này lên mức 2% GDP. Bên cạnh đó, căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Iran cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy các nước châu Âu tăng cường đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng.

Thanh Tùng (TTXVN)