11:19 13/11/2014

Nhà nước sẽ 'đặt hàng' cung cấp dịch vụ xã hội

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 32.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 32.

PV: Sau 4 năm triển khai Đề án 32 về nghề công tác xã hội (CTXH), đã đạt được những thành công ban đầu. Tuy vậy, việc triển khai còn gặp không ít khó khăn, vậy Bộ LĐTBXH sẽ có những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?


Sau 4 năm thực hiện Đề án 32, khó khăn đầu tiên chúng ta gặp phải là hiểu biết về vai trò, vị trí nghề CTXH trong người dân, cộng đồng chưa đầy đủ. Một bộ phận lớn người dân chưa hiểu nghề CTXH để làm gì và ai làm. Do đó chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về nghề CTXH.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.



Thứ hai là thiếu cơ chế, luật pháp để phát triển nghề CTXH. Người học nghề CTXH hướng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ do tự người dân, xã hội lập ra để cung cấp dịch vụ cho người dân. Muốn nghề này phát triển chúng ta tháo gỡ về những quy định về mặt luật pháp, khẳng định vị trí của nghề này.

Để có cơ chế cho các trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH có thể phát triển được thì cần phải thay đổi phương thức “đặt hàng”. Theo đó, Nhà nước sẽ đặt hàng các đơn vị cung cấp dịch vụ nghề CTXH cho người dân. Chúng ta thay đổi cơ chế điều hành về tài chính, phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực thì nghề CTXH mới phát triển được.

Hiện nay, mạng lưới hệ thống các trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH cho cộng đồng rất mỏng và cần có nguồn lực đầu tư. Hiện mới chỉ có 30 tỉnh, thành phố phát triển trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội tại cộng đồng. Mỗi tỉnh chỉ có 1 trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH là rất mỏng. Mô hình này ở các nước phát triển là cứ ở cụm dân cư có trung tâm này để gần người dân, tiện lợi cho người dân tiếp cận. Có vấn đề gì thì người dân đến trung tâm đó nhận sự trợ giúp.

Chúng ta mới bước đầu triển khai Đề án 32 nên thiếu nhân lực, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, đang tiếp tục đào tạo, nhất là đào tạo chuyên sâu. Chúng ta đang đào tạo cao đẳng, đại học về nghề CTXH theo chiều rộng nhưng chưa có chuyên sâu. Các nước sau khi đào tạo cơ bản sẽ phân luồng đào tạo chuyên sâu bởi công việc chăm sóc người già, người khuyết tật, trẻ em… có yêu cầu khác nhau về tư vấn, trợ giúp.

Còn việc đầu tư cho trung tâm bảo trợ xã hội thì các địa phương cố gắng lắm mới xây dựng được khung nhà và chưa có thiết bị ở bên trong. Trong khi đó, trung tâm tiếp nhận nhiều đối tượng, đặc điểm khác nhau nên cần có sự đầu tư phải phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đây là vấn đề chúng ta vẫn chưa làm được và cần phải triển khai dần dần.

PV. Nhiều người nhận xét cán bộ CTXH hiện làm vì cái tâm là chính bởi thu nhập thấp. Có giải pháp nào khắc phục tình trạng trên không, thưa ông?

Do chúng ta không có biên chế đối với nhân viên CTXH nên các xã, phường triển khai theo Đề án 32 có từ 1- 2 suất cộng tác viên và được hưởng trợ cấp hằng tháng lương tối thiểu. Với mức thù lao và chế độ đãi ngộ như thế thì khó thu hút người có chuyên môn gắn với nghề CTXH. Do vậy, tới đây cần phát triển theo hướng Nhà nước sẽ “đặt hàng” các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội. Khi đó, các chi phí dịch vụ sẽ gồm cả nhân công, tiền lương theo quy định.

Đối với Việt Nam, phát triển nghề CTXH vẫn là một lĩnh vực mới, trong khi nước ngoài nghề này đã hình thành gần trăm năm. Do đó, Việt Nam sẽ phải triển khai Đề án 32 từng bước.

PV. Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường