08:23 30/08/2014

Nhà nước cần phong danh hiệu “Nhà báo nhân dân” cho các nhà báo

Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9; sang năm đất nước ta sẽ kỷ niệm trọng thể tròn 70 năm ngày lịch sử vẻ vang này. Trong gần 70 năm qua, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng vẻ vang do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, đã lập nên nhiều kỳ tích...

Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9; sang năm đất nước ta sẽ kỷ niệm trọng thể tròn 70 năm ngày lịch sử vẻ vang này. Trong gần 70 năm qua, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng vẻ vang do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, đã lập nên nhiều kỳ tích; đã thắng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của một số nước lớn trên thế giới; đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt; đã tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới gần 30 năm qua do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo; đã đóng góp nhiều công sức vào việc phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của đất nước; đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn và thống nhất của đất nước; hội nhập quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại để tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc… Đứng trong hàng ngũ nhân dân đông đảo đó có nhiều lực lượng, tầng lớp và thành phần, nhiều đoàn thể, tập thể và cá nhân, gồm cả giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức, trong đó có một đội ngũ đông đảo các nhà báo mà hiện nay đã lên tới con số hơn 12.000 hội viên chính thức.

 

pSáng 5/3/2014, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Phố Trần Kim Xuyến được đặt theo tên của Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của VNTTX tức TTXVN ngày nay). Phố dài 550 m, rộng 20 m (đoạn từ ngã tư phố Trung Hòa - Vũ Phạm Hàm đến điểm giao cắt với đường 30 m (cạnh Công ty cổ phần phát triển công nghệ EPOSI). Trần Kim Xuyến (1921-1947), quê ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là nhà báo-liệt sĩ cách mạng đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến khi mới 26 tuổi. Trong ảnh: Các đại biểu chụp ảnh chung tại buổi lễ.


Ghi nhớ công ơn và sự nghiệp đóng góp đó của các tầng lớp nhân dân nên từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định sáng suốt là phong tặng các danh hiệu: “Nhà giáo nhân dân”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Nghệ sĩ nhân dân”… chưa kể các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang luôn được nhân dân quen gọi một cách thân thương, trìu mến là “Quân đội nhân dân” hoặc “Công an nhân dân”… Những quyết định như vậy của Đảng và Nhà nước là rất chính đáng, được lòng dân, có tác dụng khuyến khích những cá nhân và những giới được phong tặng những danh hiệu cao quý đó. Đa phần những người được phong tặng đều rất xứng đáng, rất tiêu biểu và rất gương mẫu trong các lĩnh vực công tác của họ cũng như trong cuộc sống hàng ngày, tất nhiên cũng phải trừ ra một số nhỏ không còn đủ bản lĩnh để giữ gìn và phát huy những danh hiệu đó. Và cũng phải khẳng định chắc chắn rằng đội ngũ các nhà báo đều rất tán đồng và rất tôn trọng những danh hiệu và những cá nhân đã được phong tặng những danh hiệu vinh quang đó và luôn có ý thức học tập và noi theo họ.


Nhưng có điều khiến các nhà báo phải băn khoăn, suy nghĩ, có nhiều người lấy làm buồn, rằng tại sao cho đến tận lúc này, mặc dầu chính tổ chức Hội Nhà báo và nhiều cá nhân các nhà báo đã có nhiều hình thức kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và cả Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương nên có quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà báo nhân dân” cho những nhà báo có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn, sống và làm việc gương mẫu, đức độ, gắn bó và hòa mình chặt chẽ với nhân dân…

 

Vậy mà đến nay chưa có nhà báo nào được nhận danh hiệu cao quý đó, thậm chí cả cơ quan có thẩm quyền tối thượng như nói ở trên cũng chưa hề ra được một quyết định nào về chủ trương này như là các nhà báo mong muốn! Vì sao vậy? Nếu nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, chắc nhiều người (nếu không nói là đa số quần chúng nhân dân) đều phải ghi nhận những đóng góp và phẩm chất có thể nói tóm tắt (và chắc cũng chưa đầy đủ) dưới đây của các nhà báo cách mạng Việt Nam, nhất là kể từ sau khi “nhà báo vĩ đại” Hồ Chí Minh sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam suốt từ năm 1925 đến nay:


- Nhà báo luôn luôn là các chiến sĩ đi đầu trên mặt trận thông tin, tư tưởng, văn hóa - xã hội; là những người tích cực tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách của Nhà nước; sự tập hợp và đoàn kết các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo chí là diễn đàn của nhân dân, là vũ khí sắc bén để chống lại những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, các tội ác, nhất là tội tham nhũng, ăn cắp của Nhà nước và nhân dân, lãng phí sức người, sức của của xã hội; chống lại các thông tin tuyên truyền phản động, sai lệch, bịa đặt nhằm thực hiện mục tiêu diễn biến hòa bình, gây rối, bạo loạn xã hội của các thế lực thù địch để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.


- Nhà báo luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, gắn bó với các phong trào và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đi sâu vào thực tế cuộc sống, cuộc chiến đấu… để phản ánh với Đảng, Nhà nước tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ, động viên họ đem hết tài năng, sức lực và tiền của ra đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, cũng như phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mãi mãi sau này.


- Nhà báo là một lực lượng quan trọng trong tầng lớp trí thức cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Do nhu cầu của công việc và sự đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, các nhà báo đa phần là những người luôn luôn gương mẫu trong việc học tập về nhiều mặt để không ngừng nâng cao năng lực làm việc, kiến thức, trí tuệ và việc cập nhật thông tin cả trong nước và trên quốc tế. Nhà báo muốn viết, muốn nói để dân tin, dân làm theo lại phải hết sức gương mẫu và phải có những phẩm chất cao đẹp; luôn luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí cả những đe dọa, thử thách và sự hy sinh đến cả tính mạng của mình nếu cần, đặc biệt là trong những năm chiến tranh ác liệt. Trước đây, nhiều nhà báo vừa cầm bút, cầm súng, chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Chỉ riêng TTXVN đã có hơn 260 nhà báo liệt sĩ.


- Các nhà báo, do có những đức tính, phẩm chất và sự rèn luyện như trên, nên luôn luôn trở thành một nguồn lực phong phú để được lựa chọn, bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể cách mạng. Và trên thực tế, rất nhiều nhà báo đã trở thành những cán bộ cấp cao của các tổ chức nói trên như chúng ta đã biết và họ rất được nhân dân tin yêu và kính trọng. Vì chưa xin phép các đồng chí đó, tôi không dám kể tên ra đây nhiều đồng chí cụ thể, nhưng “hữu xạ tự nhiên hương” chắc trong nhân dân ta không mấy người là không biết đến thành tích và phẩm chất của họ. Nếu nói chi li thì còn có thể kể ra nhiều phẩm chất nữa của các nhà báo, nhưng tôi cũng chỉ dám xin phép điểm ra những ưu điểm chính của họ.


Còn nói nhà báo có khuyết điểm gì không? Có, thậm chí có khá nhiều vì “nhân vô thập toàn” mà! Trong số các nhà báo, trong quá trình phấn đấu đi lên và qua những khúc quanh của sự nghiệp cách mạng, có khá nhiều nhà báo đã vấp ngã, đã sa sẩy, đã biến chất, đã đổi màu, thậm chí đã đầu hàng, đã trở cờ, đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đấy là những “Con sâu làm rầu nồi canh”, chắc chẳng bao giờ có thể ngăn chặn được hoàn toàn tình trạng này.


Nhưng không phải vì thế mà chúng ta “vơ đũa cả nắm”, chúng ta dừng lại, thậm chí cố ý kéo dài (nếu như tôi có nói hơi quá). Vì sao vậy? Bởi vì nhìn trong hàng ngũ các nhà báo hiện nay, ở thời nào cũng có những đồng chí rất xứng đáng, có công và rất được kính trọng. Nhưng những con người như vậy, đa phần đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, trừ một số không nhỏ nổi lên gần đây. Cho nên không nên để các đồng chí ấy “về thế giới bên kia” rồi mới phong tặng hoặc khi đã ốm thập tử nhất sinh rồi mới đến cố dựng họ dậy để tấn phong cho phải đạo. Lúc ấy e rằng thiên hạ sẽ chỉ trích chúng ta là ăn ở không có tình có nghĩa, thậm chí sẽ còn xúc phạm đến vong linh của những người đã khuất khi “gọi” họ lên để truy tặng danh hiệu này.


Để làm được công việc phong tặng danh hiệu nói trên, cũng không phải là dễ, nó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng, phải có sự quyết định của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ; có sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt phải có sự tham mưu tích cực và chủ động của Hội Nhà báo và sự vào cuộc của Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương. Có được như vậy rồi, lại cần phải xây dựng được các tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể về các mặt cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, từng loại hình báo chí cụ thể; không thể chỉ vận dụng một loạt tiêu chuẩn như nhau cho tất cả các thời kỳ, các loại hình báo chí. Lại cũng có những người có trách nhiệm sợ rằng nếu chỉ nhìn vào các nhà báo lão thành, lớn tuổi đã qua trải nghiệm nhiều trong cuộc sống thì có thể dễ lựa chọn và phong tặng.

 

Còn như nhìn vào lớp trẻ ít có đóng góp, ít có thành tích và trải nghiệm hiện nay thì khó mà lựa chọn; chẳng lẽ chỉ làm được một giai đoạn rồi dừng và để cho quyết định này chết hẳn, không còn tác dụng nữa. Lo như vậy có thể đúng một phần, còn nhìn toàn cục và lâu dài là một sự lo ngại không có cơ sở. Bởi vì ai cũng thuộc các câu ngạn ngữ rất phổ biến của Việt Nam rằng: “Thời thế nào sinh ra anh hùng đó”, “Đất vùng nào thì sinh ra cây vùng đó”, hay như Tố Hữu đã nói: “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.


Mà đã quyết rồi thì phải làm, làm thật chu đáo để không xảy ra điều tiếng gì và chính xác. Làm thì phải để người ta có “4 phục” như sinh thời nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trần Trọng Tân đã chỉ ra là: Tâm phục, khẩu phục, lý phục, đức phục. Đồng thời cũng phải làm ngay, không nên để kéo dài lâu nữa, chậm nhất nên có đợt tấn phong ngay đầu năm tới, hay vào dịp kỷ niệm lần thứ 70 Quốc khánh 2/9 năm 2015.

 

Hồ Tiến Nghị (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Đại biểu Quốc hội; Thành viên Chính phủ; Trợ lý Tổng Bí thư BCHTW Đảng)