02:16 23/02/2012

Nhà máy Tuyển rửa cát Minexco gây ô nhiễm môi trường hay không?

Nước thải trắng đục như sữa ảnh hưởng đến hơn 100 ha đất nông nghiệp; nguồn nước đó chảy đến đâu đất chai cứng, cây cối chết đến đấy… Đó là hậu quả của nước thải từ Nhà máy Tuyển rửa cát thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa (Minexco) thải ra môi trường...

Nước thải trắng đục như sữa ảnh hưởng đến hơn 100 ha đất nông nghiệp; nguồn nước đó chảy đến đâu đất chai cứng, cây cối chết đến đấy… Đó là hậu quả của nước thải từ Nhà máy Tuyển rửa cát thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa (Minexco) thải ra môi trường khiến hàng trăm hộ dân của 4 thôn Tân Phú, Lam Sơn, Suối Cam, Tân Quý thuộc xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lãnh đủ.

Người dân chịu nạn

Nhà máy tuyển rửa cát ở thôn Tân Phú có công suất hơn 7.000 tấn cát thành phẩm/tháng, trung bình 1 ngày tuyển rửa từ 230- 250 tấn cát, tương đương hơn 250 m3 nước để tẩy rửa. Có mặt tại thôn Tân Phú, chúng tôi quan sát nhà máy có 4 hồ lắng nhưng tất cả đều trong tình trạng quá tải. Các hồ lắng bố trí sơ sài, bị bồi lấp nhiều, không đủ để dung hòa lượng nước thải đổ ra. Ở hồ cuối cùng, nước thải hết sức đục chảy tràn qua máng gỗ đổ thắng ra cánh đồng.

Cánh đồng bỏ hoang vì nước thải chứa đầy bùn của nhà máy


Ảnh hưởng nặng nề nhất là thôn Tân Phú, nơi có Nhà máy Tuyển rửa cát đóng chân. Những thửa ruộng nơi nước thải chảy qua mọc đầy cỏ dại. Những lớp bùn trắng kết lại, dày từng lớp, người dân muốn trồng trọt phải thuê xe ủi san đất, đắp đê ngăn không cho nước trắng tràn vào ruộng.

Chị Phạm Thị Hoa, một người dân ở Tân Phú cho biết: “Gia đình tôi có ba sào rưỡi ruộng nhưng không thể trồng trọt được vì nằm ngay mương nước thải của nhà máy rửa cát. Bùn nhão như tinh bột dày hơn 20 cm quấn chặt lấy bánh răng máy cày, trâu bò kéo cày không nhích nổi chân, nên chỉ còn cách thuê xe ủi đi. Năm vừa rồi tôi tốn gần 7 triệu đồng tiền san ủi mặt bằng để trồng trọt, nhưng khi gieo giống xuống là giống thối hết. Năm nay, tôi đành bỏ hoang, bốn người trong gia đình đành làm thuê sống qua ngày”.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Trưởng thôn Tân Phú: “Hai thôn Tân Phú, Lam Sơn có khoảng 30 ha hoa màu bị ảnh hưởng từ nguồn nước nhà máy rửa cát. Nhất là hai năm gần đây, sản lượng tụt đi thấy rõ. Một sào lúa trước kia được 5-6 tạ thóc, nay chỉ còn 2-3 tạ. Người dân đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền địa phương về tình trạng thải nước bùn gây hư hại đất, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Từ nhà máy, nước thải chảy qua 4 thôn trên, dài hơn 5 km trước khi đổ ra đầm Thủy Triều làm ô nhiễm cả một vùng nước ở đầm này. Anh Trần Văn Hương ở thôn Tân Quý cho biết: “Nước thải làm trắng cả một vùng đầm, nặng nhất vào 2 -3 năm gần đây, những hộ nuôi hải sản quanh đây đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi phải chờ nước triều lên cao mới lấy được nước vào hồ, nếu lấy trực tiếp thì tôm cá chết hết. Nhà tôi có 3,7 ha nuôi tôm, cá vì nước quá ô nhiễm nên sản lượng tôm cá sụt giảm, những năm trước đây thu hơn 30 tấn/vụ bây giờ chỉ còn 12 tấn/vụ”.

Lãnh đạo Minexco vẫn bao biện

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc nhận xét: Cuối năm 2011, nhà máy này từng bị 30 hộ dân khiếu nại về việc làm ô nhiễm hơn 100 ha đất nông nghiệp của xã Cam Thành Bắc. Nguyên nhân là do kênh dẫn nước chính Nam bị hư hỏng hoàn toàn khiến nguồn nước thải không được làm loãng đi. Cánh đồng Bà Sô của hai thôn Suối Cam, Tân Quý khoảng 70 ha bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước thải. Xã đã báo sự việc lên huyện. Sau đó, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) đã kiểm tra và yêu cầu đơn vị chủ quản phải xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường”.

Theo văn bản kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, mẫu nước thải của Nhà máy Tuyển cát chưa đạt quy chuẩn trước khi xả vào mương thủy lợi chung, cả 4 thông số về môi trường (BOD5, COD, TSS, Colifom) đều vượt quy chuẩn. Sở TN&MT yêu cầu nhà máy thường xuyên nạo vét hồ lắng, giám sát môi trường theo quy định, khẩn trương hoàn thành thủ tục môi trường, giấy phép xả nước thải...

Trao đổi vấn đề trên với lãnh đạo công ty, ông Ngô Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Công ty Minexco cho rằng: "Hệ thống hồ lắng của công ty là hệ thống khép kín, tái sử dụng nước, không thải ra môi trường cho đến khi nào nước thải đạt độ phù sa phù hợp mới cho thải ra ngoài. Người dân kiện chúng tôi vi phạm môi trường là không có cơ sở"(!).

Về kết luận của Sở TN&MT, ông Thuận biện hộ: "Có khi nước tự nhiên ở khu vực đó cũng có sẵn màu trắng đục. Màu trắng đục tự nhiên đó hàm lượng bùn ít hơn nhưng qua lượng nước thải tuyển rửa cát của công ty hàm lượng bùn có cao hơn. Hiện tại, cứ hai tuần chúng tôi lại nạo vét một lần. Việc Sở TN&MT kiểm tra có thông số vượt môi trường là do trời mưa lớn nước một số trại lợn quanh đó hòa lẫn vào nước thải của chúng tôi. Trong năm nay, công ty chưa có kế hoạch sản xuất tiếp vì hết nguồn nguyên liệu cát".

Ông Thuận còn cho biết thêm, nếu công ty thực sự gây hại cho người dân, công ty sẵn sàng đền bù. Còn ông Nguyễn Văn Đạo - Trưởng thôn Tân Phú bức xúc: "Chúng tôi đã khiếu nại nhiều lần nhưng vẫn chưa có bất cứ sự hỗ trợ nào của nhà máy. Dân chỉ yêu cầu nhà máy xây dựng thêm hồ lắng, xây dựng hệ thống thoát nước sao cho không ảnh hưởng đến đồng ruộng và hỗ trợ cho người dân kinh phí cải tạo đồng ruộng".

Quang Đức
.