10:09 21/10/2021

Nhà máy sấy năng lượng mặt trời – giải pháp sạch trong chế biến thực phẩm

Mô hình nhà máy sấy năng lượng mặt trời đầu tiên vừa được đưa vào vận hành tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trong việc bảo quản, sơ chế nông sản.

Tiết kiệm chi phí, bảo đảm sức khoẻ người lao động

Một nhà sấy rộng 170m2 đã được xây dựng với sự hợp tác của Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (gọi tắt là Dự án GREAT) do chính phủ Australia tài trợ cùng Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thủy Sơn, huyện Văn Bàn. Công trình nằm trong dự án "Ứng dụng nhà sấy năng lượng mặt trời vào sản xuất tại khu vực Tây Bắc" do Công ty TNHH Covestro Việt Nam thực hiện. Theo đó, Dự án GREAT hỗ trợ mô hình nhà sấy 329 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Thủy Sơn.

Chú thích ảnh
Nhà máy sấy bằng năng lượng mặt trời hỗ trợ công đoạn chế biến, bảo quản nông sản. Ảnh: LH

Anh Bùi Văn Hùng, chủ nhiệm hợp tác xã Thủy Sơn cho biết: Trước kia, người dân trong vùng rất vất vả vì dù trồng được nhiều loại cây nông nghiệp và dược liệu như măng, sa nhân, thảo quả..., nhưng chưa thực sự tìm được nguồn bao tiêu sản phẩm ổn định.

Từ tháng 3 năm 2020, anh Hùng tham gia HTX, cùng 7 thành viên HTX tiếp cận từng hộ dân, thu mua, bao tiêu, chế biến sản phẩm để bán lại cho các công ty, đưa vào hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn.

HTX đã quyết định đầu tư làm nhà sấy năng lượng mặt trời. Cấu tạo của nhà sấy đơn giản, chỉ bao gồm hệ thống mái mica tích tụ nhiệt theo hình vòm trên sàn xưởng xi măng rộng khoảng 170m2. Xưởng sấy được trang bị hệ thống quạt hút ẩm. Các cửa ra vào có hệ thống lưới chống côn trùng.

Theo anh Hùng, mặc dù mới vận hành nhà sấy được 2 tháng nhưng đã có thể thấy xưởng sấy này tiết kiệm năng lượng rất nhiều chi phí so với phương pháp sấy theo lò than truyền thống.

“Với lò than, để sấy khô 10 tấn thảo quả, phải chi khoảng 3 triệu đồng tiền củi, trong khi không khí bị ảnh hưởng, sức khỏe những người làm cũng bị ảnh hưởng,” anh Hùng cho biết. “Sấy bằng nhà sấy năng lượng mặt trời thì không mất chi phí phát sinh hàng ngày, ngoài đầu tư ban đầu. Khi thời tiết nắng ráo thuận lợi thì khoảng 3 ngày có thể sấy khô được 10 tấn nguyên liệu.”

Anh Hùng cho biết, nhiệt độ xưởng sấy lúc cao nhất đạt 65 độ C vào giữa trưa ngày nắng to.

Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng sản xuất nhà sấy tại HTX cũng nhận thấy tính ưu việt của nhà sấy năng lượng mặt trời so với các cách sấy truyền thống.

“Nếu sấy than thì sản phẩm khô nhanh, màu đẹp hơn nhưng sản phẩm khi thưởng thức không ngon bằng nông sản sấy trong nhà sấy năng lượng mặt trời,” chị nói. “Nhà sấy năng lượng mặt trời đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm, vì không có côn trùng hay tạp chất. Sản phẩm ăn ngon, ngọt hơn. Tuy sấy năng lượng mặt trời mất nhiều thời gian hơn sấy than nhưng sức khỏe của công nhân được đảm bảo và cũng an toàn hơn cho môi trường”.

Hiện tại, HTX đang triển khai chế biến 4 sản phẩm từ măng để cung cấp cho các siêu thị trong nước, sản phẩm sa nhân, thảo quả sấy cho thị trường Trung Quốc và sau này sẽ hướng tới các sản phẩm khác như chuối hạt.

HTX cũng liên kết với Đại học Huế để định hướng sản phẩm theo hướng hữu cơ từ nguồn nguyên liệu măng hữu cơ sẵn có ở xã Nậm Xây, Nậm Xé của huyện. Hai xã này có tổng diện tích gần 65 hecta măng, dự kiến mỗi năm cung cấp được 80-100 tấn nguyên liệu măng cho HTX.

Sáng tạo để phát triển

Theo chị Vũ Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng Đại diện dự án GREAT tại Việt Nam, công trình này là 1 trong 5 nhà máy sấy năng lượng mặt trời sẽ được xây dựng tại Sơn La và Lào Cai, trong khuôn khổ tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo trị giá 1 triệu đô la Australia của GREAT và hơn 227,000 đô la Australia vốn đối ứng của các đối tác. Sẽ có hơn 7.400 phụ nữ, trong đó có hơn 5.500 phụ nữ dân tộc thiểu số hưởng lợi từ các mô hình nhà sấy này.

Quỹ này cũng đã và đang giúp thực hiện 3 sáng kiến kỹ thuật khác gồm phổ cập ứng dụng điện thoại hỗ trợ giám sát quản lý chất lượng chè theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; và phát triển dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử cho nông sản địa phương. Tổng số phụ nữ địa phương hưởng lợi lên tới hơn 8,300 trong các dự án.

“Tiêu chí lựa chọn dự án để tài trợ của chúng tôi dựa trên mức độ đổi mới sáng tạo, tác động tiềm năng của dự án, tính bền vững, khả năng nhân rộng cũng như năng lực của đối tác,” chị giải thích.

Chị Vũ Thị Quỳnh Anh cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là thu hút được ngày càng nhiều phụ nữ tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế”.

Lê Hương