01:07 10/01/2018

Nhà máy chế biến mủ cao su APT chưa nhận được quyết định dừng hoạt động?

Mặc dù UBND tỉnh Kon Tum đã có thông báo dừng hoạt động từ ngày 5/1 nhưng mọi hoạt động của Nhà máy chế biến mủ cao su APT, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) vẫn diễn ra bình thường.

Ngày 9/1, theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, mọi hoạt động của Nhà máy chế biến mủ cao su APT (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại An Phú Thịnh Kon Tum) vẫn diễn ra phía sau chiếc cổng đóng kín.

Tại khu vực băng tải vận chuyển cao su, qua quan sát vẫn có hàng chục công nhân đang làm việc. Trong nhà máy, mủ khô được đưa lên băng chuyền đang chạy. Tại các hồ chứa nước thải, máy bơm nước vẫn chạy. Hoạt động mua bán mủ vẫn diễn ra...

Giải thích với phóng viên, ông Đồng Quang Thành - Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Nhà máy chế biến mủ cao su APT thanh minh: Ngày 8/1, ông đọc báo mới biết UBND tỉnh yêu cầu Công ty ngừng hoạt động chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, đến trưa 9/1, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được công văn của UBND tỉnh yêu cầu dừng hoạt động nên nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết, chiều 9/1, lãnh đạo Sở đã cử một đoàn kiểm tra xuống nhà máy để xác minh.

Trước đó, ngày 7/1, phóng viên TTXVN có bài phản ánh "Gây ô nhiễm môi trường, nhà máy chế biến mủ cao su bị dừng hoạt động". Cụ thể, ngày 5/1, UBND tỉnh Kon Tum đã có Thông báo số 05/TB-UBND yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại An Phú Thịnh Kon Tum dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm Nhà máy chế biến mủ cao su APT; yêu cầu công ty tổ chức khắc phục tồn tại, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên nước; dừng xả nước thải ra môi trường khi chưa có giấy phép xả thải...

UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sa Thầy, UBND xã Sa Nhơn theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của công ty. Nếu phát hiện nhà máy vẫn hoạt động sản xuất thì xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh để xử lý.

Trước đó, vào cuối năm 2017, qua kiểm tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum phát hiện, trong quá trình vận hành thử nghiệm, Nhà máy chế biến mủ cao su trên có nhiều sai phạm như: Chưa báo cáo UBND tỉnh cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư; bổ sung dòng thải phát sinh mà không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (nước làm mát, nước ngấm từ các hồ xử lý nước thải do một số vị trí bị nứt); tự ý tổ chức vận hành dây chuyền sản xuất mủ tạp trong khi chưa đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất; cho nhà máy hoạt động thử nghiệm khi hết thời gian đăng ký; xả thải ra môi trường khi chưa có giấy phép...

Cao Nguyên (TTXVN)