10:07 09/10/2017

Nhà mạng vẫn ngấm ngầm 'dung dưỡng' SIM rác?

SIM đã kích hoạt không cần đăng ký thông tin cá nhân, hay còn gọi là SIM rác, tái xuất trên thị trường khiến nhiều người đặt câu hỏi các nhà mạng có tuân thủ cam kết đã ký?

Một điểm bán SIM thẻ trên phố Thụy Khuê (Hà Nội).

Mỗi nơi một kiểu bán SIM


Đến bất kỳ một cửa hàng bán SIM thẻ đều dễ dàng mua được SIM rác. Các chủ cửa hàng đều cho biết chưa có ai đi thu gom, xử lý; việc đăng ký thông tin hiện chỉ mang tính hình thức.


Tại cửa hàng bán SIM thẻ trên phố Lạc Long Quân (Hà Nội), khi hỏi mua SIM rác, chủ cửa hàng vừa nhìn khách vừa thăm dò rồi cho biết: Mua SIM rác không cần số chứng minh thư hết 50.000 đồng, sau đó nộp thêm tiền vào tài khoản để gọi. Tuy nhiên, sử dụng SIM này sẽ bị thu hồi số bất kỳ lúc nào.


Còn tại của hàng bán SIM điện thoại trên phố Đội Cấn, chủ cửa hàng cho biết: “SIM không cần đăng ký thông tin cá nhân với mạng Vinaphone có giá 140.000 đồng, nhưng không có khuyến mại; còn SIM mạng Mobilfone 180.000 đồng có khuyến mại 1.500 phút nội mạng miễn phí”.


Theo một chủ cửa hàng kinh doanh SIM thẻ trên phố Thuỵ Khuê, SIM của mạng Vinaphone giá 90.000 đồng, có 20.000 đồng khuyến mại; còn với Mobilfone giá 180.000 đồng thì có 6 GB truy cập và 500 phút gọi.


Nhộn nhịp và công khai nhất là các cửa hàng thẻ SIM trên phố Kim Mã và Tây Sơn. Các chủ cửa hàng đều khẳng định có thể mua SIM tất cả các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile, Gtel.


Anh Nguyễn Trường (phố Ngọc Hà, Ba Đình) cho biết: Do nhu cầu công việc kinh doanh nên anh thường dùng SIM rác để gọi khảo giá sản phẩm. Một điều dễ thấy, nhà mạng nào bán SIM với giá cao thì khuyến mại nhiều và theo từng đợt. Đi mua SIM đợt này các cửa hàng cũng hỏi có cần đăng ký chứng minh thư, nhưng nếu khách nói không thì cửa hàng  vẫn bán SIM đã kích hoạt sẵn.


Các nhà mạng “nói có đi đôi với làm”?


Khi được hỏi về việc thu hồi SIM rác, đại diện VinaPhone cho biết đơn vị đang nỗ lực thực hiện thu hồi SIM kích hoạt trước trên thị trường bằng nhiều biện pháp và qui định chặt chẽ, với văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện siết chặt quản lý và phân phối sim trên thị trường, đảm bảo SIM cung cấp ra thị trường đều cập nhật đầy đủ thông tin theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).


Kể từ tháng 10/2016 sau khi ký cam kết về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, VinaPhone đã đưa ra nhiều quy định siết chặt việc quản lý và phân phối SIM. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện ra một số đại lý vẫn còn phát hành SIM kích hoạt trước VinaPhone sẽ thực hiện thu hồi và xử phạt đại lý.


Thậm chí, trước đó, tại cuộc họp sơ kết công tác thông tin và truyền thông cách đây 3 tháng, Chủ tịch VNPT đề nghị giải pháp được cho là khá mạnh mẽ khi đề xuất cho các nhà mạng đi thu gom SIM kích hoạt sẵn trên thị trường rồi nộp cho các Sở TT&TT và Bộ TT&TT để xử phạt các doanh nghiệp có số SIM này. Đây được coi là phương pháp thu hồi SIM rác được lãnh đạo Bộ TTT&TT đánh giá cao.


Tuyên bố là vậy, tuy nhiên khi được hỏi về số liệu cụ thể số SIM rác đã thì Vinaphone từ chối cung cấp số liệu. Qua báo cáo gần đây nhất tại Hội nghị giao ban quý III/2017 tại Bộ TT&TT cho thấy, các nhà mạng mới chỉ đề cập đến chặn tin nhắn rác và ngăn chặn SIM nhắn rắc, còn việc xử lý các cửa hàng, đại lý bán SIM rác vẫn bỏ ngỏ.


Theo khảo sát, các đại lý SIM thẻ không bày bán công khai những SIM đã kích hoạt sẵn như trước đây mà thường cất vào trong tủ và chỉ đưa ra khi khách hàng hỏi. Số lượng SIM kích hoạt sẵn các đại lý đang lưu giữ còn khá nhiều.


Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều chính sách về quản lý thuê bao di động trả trước và bản thân các nhà mạng cũng ký cam kết với nhau thu hồi SIM kích hoạt sẵn và không tung SIM kích hoạt sẵn ra ngoài thị trường từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, sau thời gian đầu thực hiện nghiêm, đến nay việc quản lý SIM rác lại tiếp tục bị bỏ ngỏ.


Theo các chuyên gia viễn thông, lý do các nhà mạng chưa nghiêm là do quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, bắt đầu từ 24/4/2018, chế tài xử lý vi phạm đối với quản lý thông tin thuê bao di động chưa đăng ký thông tin cá nhân mới có hiệu lực. Điều này, đồng nghĩa các nhà mạng vẫn “ngấm ngầm” dung dưỡng các đại lý bán SIM rác cho đến tháng 4 sang năm. Trong quãng thời gian đó, bên cạnh lời hứa, cam kết thì việc tăng cường giám sát của quản lý của cơ quan chức năng mới hạn chế được việc tràn làn SIM rác và sâu xa hơn là chặn được nguồn phát tán tin nhắn rác.


XC/Báo Tin Tức