09:23 10/09/2012

Nhà hát cải lương Hà Nội: Đưa diễn viên không chuyên lên sân khấu

Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa triển khai mô hình sân khấu nhỏ mang tính xã hội hóa “Tiếng đàn giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”, với sự tham gia diễn xuất của chính khán giả yêu mến loại hình nghệ thuật này.

Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa triển khai mô hình sân khấu nhỏ mang tính xã hội hóa “Tiếng đàn giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”, với sự tham gia diễn xuất của chính khán giả yêu mến loại hình nghệ thuật này.

 

Thu hút đông đảo khán giả


Khán phòng buổi diễn đầu tiên của mô hình xã hội hóa “Tiếng đàn giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” chật cứng. Nhiều người phải đứng hai bên lối đi để cổ vũ.


 

Tiết mục “Tằm vương tơ” trong chương trình.

Cứ sau mỗi tiết mục trích đoạn, tiếng vỗ tay lại vang lên không ngớt cổ vũ, động viên cho những nghệ sỹ, diễn viên không chuyên trên sân khấu. Anh Dương Tiến Sĩ, phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) cho biết: “Bạn tôi có tiết mục biểu diễn trong chương trình. Chúng tôi ở cùng khu phố và đã từng giao lưu văn nghệ ở phường, nhưng không nghĩ họ lại hát hay và diễn trên sân khấu tốt đến như vậy. Tôi cũng ít hiểu về âm nhạc truyền thống và chỉ thỉnh thoảng mới đi xem biểu diễn nghệ thuật. Nhưng qua buổi diễn của các nghệ sỹ không chuyên hôm nay, tôi biết thêm rất nhiều điều”.


Còn bác Mạnh Hùng, 70 tuổi, cho biết: “Tôi yêu cải lương từ bé và mơ ước được diễn và ca trên sân khấu. Khi câu lạc bộ những người yêu cải lương Hà Nội thông báo có chương trình biểu diễn trên sân khấu, tôi đã xung phong tham gia để thỏa lòng mong ước. Nhiều hôm tập luyện cùng với các nghệ sỹ của nhà hát, tôi hiểu hơn về cải lương, cũng như những kỹ thuật lấy hơi, ngân nga chuẩn hơn. Những người đam mê như tôi nay lại càng gắn bó hơn với những chương trình như thế này”.


Chương trình với 12 tiết mục, trích đoạn kéo dài gần 2 giờ nhưng người xem luôn nhiệt tình cổ vũ. Đúng như ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đánh giá: “Đây là mô hình sân khấu nhỏ thử nghiệm với sự tham gia chính của khán giả, bên cạnh đó là sự kèm cặp của các nghệ sỹ chuyên nghiệp của nhà hát, nhằm gây dựng phong trào ca, diễn không chuyên. Họ rất tích cực tham gia luyện tập để được đứng trên sân khấu như một diễn viên cho thỏa niềm đam mê. Dù kỹ thuật biểu diễn vẫn chưa tốt nhưng đây là hình thức để những người chưa biết về cải lương sẽ hiểu hơn và những người đã biết sẽ yêu cải lương hơn. Bên cạnh đó phát hiện tài năng trẻ để có hướng tuyển dụng, đào tạo lâu dài”.

 

Nhân rộng mô hình


Đánh giá về mô hình biểu diễn này, ông Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, cho biết: “Tôi hoan nghênh mô hình này của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Đêm diễn thử nghiệm cho thấy các nghệ sỹ không chuyên luyện tập rất chăm chỉ, đầu tư bài bản. Nghe cả chương trình gần 2 tiếng đồng hồ nhưng không thấy chán. Mô hình này nên tiếp tục nhân rộng”.


Còn nghệ sỹ nhân dân Mạnh Tưởng nhận xét: “Dù là diễn viên không chuyên, nhưng họ diễn và ca rất xúc động. Chương trình này là một cách làm hay để phát triển phong trào đờn ca cải lương ở phía Bắc. Sân khấu cải lương miền Bắc rầm rộ phát triển từ 1929 - 1930 và có rất nhiều nghệ sỹ cải lương nổi tiếng không thua kém gì phương Nam, nhưng sau đó bị co hẹp lại. Nay phong trào cải lương có thể được nhân rộng theo mô hình này để những người chưa hiểu sẽ hiểu về cải lương; những ai đã yêu thì càng yêu cải lương như các tài tử không chuyên đã thể hiện tại chương trình thử nghiệm”.


Nghệ sĩ nhân dân, bà Phạm Thị Thành đánh giá: “Gần đây, một số đơn vị đã làm một số chương trình theo kiểu như thế này nhưng dựng hẳn thành vở diễn như: “Dạ cổ hoài lang”; “Khoảng trời phương Nam”... Trong khi Nhà hát cải lương Hà Nội thiên về làm trích đoạn, sử dụng diễn viên không chuyên và thực tế đã lôi kéo khá đông khán giả. Mô hình này khá hay và cần nhân rộng vì chính Nhà hát Cải lương phải tạo được khán giả cho chính mình, nhất là trong thời buổi có nhiều loại hình âm nhạc phong phú như hiện nay”.


Trong bối cảnh loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng ít khán giả, sự ra đời của mô hình xã hội hóa của Nhà hát Cải lương Hà Nội để vừa lôi cuốn khán giả, vừa tạo cho chính những người yêu mến cải lương được tham gia như một chủ thể sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật dân tộc, là việc làm đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng.


Bài và ảnh: Xuân Minh