09:11 18/09/2012

Nhà giàu Trung Quốc 'mất' 160 tỷ USD

Thị trường chứng khoán trượt dốc, bất động sản ảm đạm và sản xuất xáo trộn là những nguyên nhân chính khiến giới siêu giàu nước này "nghèo" đi.

Thị trường chứng khoán trượt dốc, bất động sản ảm đạm và sản xuất xáo trộn là những nguyên nhân chính khiến giới siêu giàu nước này "nghèo" đi.

Theo báo cáo World Ultra Wealth Report được Wealth-X công bố ngày hôm qua, tài sản của tỷ phú Trung Quốc bốc hơi 160 tỷ USD (khoảng 30%) từ 1/8/2011 đến 31/7 năm nay. Nguyên nhân chính là sự trượt dốc của thị trường chứng khoán khi chỉ số Shanghai Composite Index giảm tới 20% trong khoảng thời gian đó. CEO của Wealth-X, ông Mykolas Rambus, cho biết: "Chứng khoán Trung Quốc xuống rất mạnh trong năm nay, mà tài sản của các tỷ phú lại chủ yếu đến từ nguồn này".


Giới siêu giàu Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ chứng khoán suy giảm. Ảnh: Luxuo
Giới siêu giàu Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ chứng khoán suy giảm. Ảnh: Luxuo


Tính chung, số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc (có tài sản từ 30 triệu USD trở lên) đã giảm 2,3% trong một năm qua. Tổng tài sản của họ cũng giảm 7% xuống chỉ còn 1.600 tỷ USD. Trong khi đó, tại Mỹ, con số này lại tăng 3,3% lên 8.300 tỷ USD. Rambus cho biết những người giàu lên nhờ bất động sản và sản xuất ở các tỉnh ven biển Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc di dời nhà máy vào sâu trong đất liền.


Tổng cộng, tài sản của giới siêu giàu trên khắp châu Á bốc hơi gần 7% xuống gần 6.300 tỷ USD trong một năm qua. Ba nước giảm mạnh nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, vốn chiếm tới 75% giới siêu giàu châu Á. Tuy nhiên, Rambus cho rằng báo cáo này không ám chỉ giới siêu giàu bắt đầu phá sản. Ông nói: "Việc này chỉ có nghĩa là tài sản của họ đang giảm mạnh vì điều kiện thị trường".


Nhật Bản là nơi có đông người siêu giàu nhất châu Á với 12.830. Đây cũng là nước có tài sản giảm mạnh nhất toàn cầu với 195 tỷ USD trong một năm qua. Lý do chủ yếu vẫn là suy giảm trên thị trường chứng khoán với 16% trượt giảm, bất động sản và sản xuất ảm đạm do tàn dư của thảm họa kép năm 2011.


Rambus cho biết: "Thảm họa đó là một cú shock lớn đối với Nhật Bản. Thực ra, các chính sách của nước này trong thời gian qua đã trở nên ít có tác dụng, sau đó lại có thêm hàng loạt sự kiện tiêu cực xảy ra. Vì vậy, rất nhiều người đã rút vốn ra khỏi Nhật Bản và tìm kiếm cơ hội đầu tư bên ngoài".


Mặc dù những số liệu này đều chỉ ra tài sản của châu Á đang giảm, Rambus vẫn lạc quan cho rằng đây chỉ là tình trạng "tạm thời". Ông nói: "Trong dài hạn, rất nhiều của cải sẽ vẫn được tạo ra tại châu Á. Chúng tôi cho rằng hiện tượng này chỉ là sự phân phối tài sản tạm thời trên thị trường".


Theo vnexpress.net