08:07 08/08/2016

Nhà cổ, nhà cũ - “cha chung không ai khóc”

Vụ sập nhà cổ số 43 phố Cửa Bắc, Ba Đình (Hà Nội) làm 2 người chết và nhiều người bị thương một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về sự buông lỏng công tác quản lý quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thủ đô.

Nhiều khu vực xuống cấp

Sau vụ sập nhà tại 43 Cửa Bắc, bà Nguyễn Hằng càng thêm lo lắng vì gia đình cũng đang sống trong khu nhà cũ ở 79 Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Hằng chia sẻ: “Nguyên gốc căn nhà 79 Hàng Bồ là một nhà dài trước năm 1954. Sau ngày giải phóng Thủ đô, căn nhà này được chia cho nhiều hộ. Mỗi hộ đều đã cải tạo nhưng chỉ mang tính chắp vá, cơi nới. Mặc dù ngôi nhà này đã xuống cấp nhưng xin sửa chữa, xây mới đều gặp khó khăn”.

Mật độ dân số lớn trong khi hệ thống nhà đan xen, cơi nới chằng chịt nên việc cải tạo sửa chữa cải tạo nhà trong khu phố cổ Hà Nội nếu không có giải pháp thi công hợp lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhà xung quanh. Bà Đỗ Thị Hiền, phố Hàng Bạc cho biết: “Đa số các ngôi nhà cũ trong phố cổ xây trước năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nhà xây trước năm 1954. Đặc điểm chung của những ngôi nhà này móng nông, sâu vài chục cm, tường gạch một… 

Nhiều ngôi nhà phố cổ ở Hà Nội được cơi nới chồng tầng gây nguy hiểm cho cư dân.

Do nhu cầu cuộc sống, dân số gia tăng trong khi diện tích không tăng nên các gia đình bằng nhiều cách cơi nới, chồng tầng bằng vật liệu nhẹ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa bão.

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, Khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) có diện tích 82 ha, với dân số gần 85.000 người. Đây là nơi có mật độ dân cư thuộc diện cao nhất thế giới và luôn chịu áp lực quá tải về hạ tầng đô thị. Theo thống kê, trong khu phố cổ có hơn 250 công trình có giá trị kiến trúc, cảnh quan. Số công trình thuộc diện nhà cũ có rất nhiều và chưa có thống kê.

Trong khi đó, toàn thành phố mới có thống kê quản lý đối với nhà biệt thự cổ và khu tập thể cũ. Hà Nội hiện có khoảng 1.500 nhà biệt thự được phân loại, sắp xếp theo nhóm I, II, III. Đối với biệt thự cổ đã có quy định cụ thể về bảo tồn theo từng nhóm. “Bên cạnh đó, thành phố có 1.516 khu tập thể cũ, được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, phân bố chủ yếu tại 4 quận nội thành cũ. Qua quá trình sử dụng, đa số chung cư cũ này đã xuống cấp ở các mức độ khác nhau”, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết. 

Với khu tập thể cũ, thành phố đã có kết luận 4 khu có mức độ nguy hiểm về kết cấu là cấp D gồm: Tập thể Bộ Tư pháp, phố Kim Mã Thượng; Nhà C8 (ĐN3) tập thể Giảng Võ; Nhà G6A (ĐN1,2) tập thể Thành Công; Nhà A (ĐN1) tập thể Ngọc Khánh. “Đây là các công trình nhà tập thể cũ có mức độ nguy hiểm lớn về kết cấu và đã có thông báo di dời”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.

Xem lại cơ chế cấp phép xây dựng

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội, số lượng nhà cũ xây bằng gạch, vữa bata, không có bê tông cốt thép còn rất nhiều và chưa có thống kê cụ thể. Đa số những nhà này được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước không ít nhà đã cơi nới, xuống cấp. Do đó, cần siết chặt quản lý đối tượng nhà này khi sửa chữa, xây mới nhằm bảo đảm an toàn cho người dân là cần thiết.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dạng nhà được xây dựng như tại phố Cửa Bắc trước năm 1980 không được xếp vào diện nhà cổ mà chỉ là nhà xây dựng lâu năm và do quận quản lý. Theo quy định, Thành phố chỉ chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn cho nhà cổ, biệt thự cổ xây dựng từ trước năm 1954. 

Việc cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà trong khu vực nội thành khá phức tạp về hồ sơ giấy tờ nhưng tựu chung người dân phải tự đảm bảo an toàn khi thi công và chưa có sự ràng buộc nào với xung quanh. Do đó. việc quy hoạch các khu vực với những nơi nhiều nhà cũ cần xem xét lại. Việc xây dựng không thể đơn lẻ như hiện nay”, kiến trúc sư Hồng Lĩnh, Hội kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc quản lý xây dựng tại Hà Nội vẫn mang tính chất đơn lẻ với từng khu vực đặc thù như khu phố cổ, khu tập thể, biệt thự cổ. Tuy nhiên, từ sự cố sập nhà cũ ở phố Cửa Bắc cho thấy Hà Nội cần giải pháp tổng thể, trong đó đầu tiên phải xác định ai là chủ sở hữu, quản lý để xác định rõ ràng trách nhiệm quản lý và người sử dụng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bởi thực tế, những biệt thự được giao cho cơ quan, sứ quán... thì được quản lý rất tốt vì chỉ có một chủ. Nhưng với một biệt thự mà có hàng chục hộ ở thì không ai là người làm chủ, dẫn đến tình trạng xuống cấp. Tương tự, với các khu tập thể, chung cư hiện nay cũng cần có quy chế quản lý rõ ràng theo Luật Xây dựng để không xảy ra tình trạng xuống cấp không có ai sửa chữa, cải tạo.

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng xem lại quy trình cấp phép xây dựng tại các địa phương, trong đó khi cấp phép phải có đánh giá chất lượng của các công trình lân cận để có biện pháp đảm bảo an toàn tổng thể. 

Bài và ảnh: XC