10:08 21/10/2022

Nhà báo Nguyễn Thanh Địch: Trăm năm, một tiếng lòng

Nhà báo Nguyễn Thanh Địch là Phó Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam trong 30 năm (1955 - 1985), Hội viên Hội Nhà báo, Hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thanh Địch và vợ, bà Nguyễn Thị Mễ, đón năm mới 2021.

Tôi vừa được nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Địch gửi tặng tập thơ Phổ Vinh Quê Mẹ (NXB Phụ Nữ, 2022 ). Đây là một món quà thật vui và bất ngờ đối với tôi.

Nhà báo Nguyễn Thanh Địch là Phó Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam trong 30 năm (1955 - 1985), Hội viên Hội Nhà báo, Hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông hoạt động cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, tham gia cướp chính quyền ở Quảng Ngãi, làm phó Trưởng ty rồi Trưởng ty thông tin Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Pháp, cho đến được điều ra trung ương năm 1950. Huân chương Độc Lập hạng 3 và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng khác ghi nhận những đóng góp của ông với nghiệp cách mạng, sự nghiệp thông tin báo chí nước nhà.

Những năm 80, tôi có thời kỳ làm phóng viên Báo Ảnh Việt Nam. Những ấn tượng về một người lãnh đạo giản dị, tâm huyết và giàu kinh nghiệm vẫn đậm nét trong tôi và nhiều đồng nghiệp Báo Ảnh Việt Nam những năm tháng ấy.

Nhà báo Nguyễn Thanh Địch sinh ngày 15/7/1923. Ông đang sống năm thứ 100 trong cuộc đời mình. Vì vậy, ấn phẩm thơ này thật là đặc biệt.

Mở đầu tập, nhà báo Nguyễn Thanh Địch chia sẻ:

Ghi lại vài dòng cho cháu con, bè bạn chí thân
Giây phút rung động của lòng mình
Những tiếng nói lòng của trái tim Thanh Địch

Một mong muốn thật giản dị và rất dễ đồng cảm của tác giả. Đó cũng là điều xuyên suốt cả tập thơ. Cùng với những tình cảm chung về quê hương đất nước, ông viết về mẹ, về những người thân gia đình, bè bạn một cách rất tự nhiên. Qua gần 60 bài thơ trong tập, người đọc có thể hình dung ra, dù chỉ là những điểm nhấn, con đường một thế kỷ mà tác giả đã trải qua, tình cảm và diện mạo tâm hồn của ông, tinh thần lạc quan, tình yêu và niềm tin nơi ông qua những thử thách sóng gió của cuộc đời.

Ông viết về làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên:

Xóm làng đoàn kết sum vầy
Buồn vui chung sống vơi đầy có nhau...
Tình quê dào dạt lòng ta đó
Lưu luyến còn đây đất chôn nhau

Cùng với đó là nỗi khắc khoải của một cán bộ lão thành đã cống hiến cả cuộc đời vì hạnh phúc của người dân:

Lòng dân bao nỗi lo toan
Lo mưa, lo nắng, lo ăn...
Nỗi lo ai đó có còn vì dân?
(Làng tôi)

Ông thể hiện lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh của bà con cô bác quê mẹ Phổ Vinh, một ngôi làng nhỏ ở Quảng Ngãi được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong sự nghiệp giành độc lập của đất nước:

Xin kính cẩn nghiêng mình
Trước sáu trăm mười hai liệt sĩ quang vinh
Đã ngã xuống cho đất mẹ hồi sinh
Tạc ghi công ơn sâu sắc
Của ba mươi mốt mẹ Việt Nam Anh hùng
(Quê mẹ Phổ Vinh)

Nhà báo Nguyễn Thanh Địch dành những tình cảm sâu sắc nhất khi viết về mẹ, người đã thay cha ông mất sớm để gánh vác cả gia đình, nuôi dạy các con. Bà cũng là một lão thành cách mạng, tham gia giúp đỡ, nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ của Đảng từ những năm 1930 - 1931, 1936 - 1939 và thời gian sau này. Điều cảm động là sau khi nghỉ công tác, từ Hà Nội ông mới về nam, dành thời gian ở bên cạnh mẹ. Tình mẫu tử sâu nặng ấy được ông diễn đạt rất giản dị:

Sáu mươi tư tuổi về nuôi mẹ
Nghĩa đạo làm con có hề chi!
Công ơn cha mẹ như trời bể
Chút hiếu tình con có nghĩa gì!
(Về nuôi mẹ)

Ông có những dòng thơ nặng tình nghĩa với người vợ của mình, bà Nguyễn Thị Mễ, người năm nay vào tuổi 91 và đã nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Hai ông bà đã cùng nhau 78 năm trên đường đời, chia ngọt sẻ bùi, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, nuôi dạy 6 người con trưởng thành:

Khi bão tố lúc êm trời
Đói no cùng chịu, ngọt bùi sẻ chia
Vợ chồng hoà thuận tin yêu
Đồng tâm, đồng chí, sớm chiều trọng nhau

Ngày dài, đêm trắng, nặng nhớ nhung
Nghĩa tình chồng vợ càng thêm đậm
Cái nợ cháu con chưa hết đong
Dọc ngang cảnh đời đan trăm mối
Kiên trung cuộc sống giữ một lòng
(Không Đề)

Nhà báo Nguyễn Thanh Địch gắn bó với Đảng, với cách mạng một cách rất tự nhiên, với lý tưởng từ những năm tuổi trẻ mà ông đã phấn đấu trong suốt cuộc đời mình. Ông vào Đảng từ năm 24 tuổi, đến nay là 76 năm. Đấy là quá trình ông rèn luyện và trưởng thành. Trong bài thơ "Cảm ơn Đảng", ông viết:

Tôi xin cảm ơn Đảng
Ngàn lần cảm ơn Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng quang vinh của tôi đó!

Nhưng liền sau đó là những suy tư rất đáng trân trọng về cuộc sống hôm nay của một đảng viên cộng sản lão thành:

Cuộc sống ngày nay muôn màu ngàn sắc
Đâu chỉ có hoa thơm và trái ngọt
Mà ẩn nấp gần xa những bóng đen quái ác
(Cảm ơn Đảng)

Qua những bài thơ, Nguyễn Thanh Địch còn cho bạn đọc thấy tinh thần lạc quan, kiên nhẫn dẫu cuộc sống còn nhiều thử thách, gian khó. Ông viết về việc làm nhà muộn:

Tám mươi ta vẫn xây nhà
Tự mình thiết kế mướn thợ xây...
Bao năm tần tảo nuôi con
Dành dụm xây nên ngôi nhà mới
(Niềm vui tuổi già)

Dù khó khăn, ông vẫn lạc quan, tin tưởng:

Một đời thanh bạch lòng thanh thản
Hai chữ hiếu trung dạ sắt son
Cảm ơn đời cho ta cuộc sống đẹp
Đẹp mãi muôn đời một chữ Tâm
(Mừng xuân Ất Mùi)

Bài thơ mới nhất ông viết khi đón năm mới 2021 mang cảm xúc đặc biệt của người đã sống qua một thế kỷ trước vòng quay của vũ trụ bao la:

Qua tận những đám mây bay
Là dải thiên hà lấp lánh ánh sao
Mỗi sao là một phận người...
Cỏ cây hoa lá bình minh
Chào đón năm mới thái bình vui ca
(Happy New Year 2021)

Tập thơ Phổ Vinh Quê Mẹ còn có nhiều bài thơ nhà báo Nguyễn Thanh Địch viết tặng bạn bè, người thân như “Mừng thượng thọ bác Võ An Ninh”, “Mừng bác Công”, “Mừng anh Sáu”... hay những cảm xúc chợt đến về mọi miền đất nước như  “Thăm Hồ Hoàn Kiếm”, “Thăm Tràm chim Tam Nông”, “Tết đường hoa Nguyễn Huệ”... Những bài thơ ấy cho thấy những cảm xúc phong phú, tình cảm chân thành của tác giả đối với cuộc sống và con người.

Thơ là Người! Tập thơ Phổ Vinh Quê Mẹ là tiếng lòng vẹn toàn, chung thuỷ của nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Địch qua một thế kỷ ông đã sống, mang tình cảm sâu nặng về đất nước, quê hương và những con người của ông. Rất mừng là ở tuổi thứ 100, ông vẫn minh mẫn và  mạnh khoẻ, hàng ngày vẫn theo dõi tình hình, đọc sách, viết lách với những suy nghĩ và nếp sống chủ động, tích cực. Nhà báo Nguyễn Thanh Địch là người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí, thông tin, nhiếp ảnh; người đã để lại dấu ấn từ những năm đầu tiên và trong suốt 30 năm phát triển của Báo Ảnh Việt Nam, một tờ báo đối ngoại hàng đầu thuộc TTXVN. Kính chúc Ông những ngày tháng an vui, hạnh phúc bên gia đình, người thân và bè bạn!

  

Chú thích ảnh
Tập thơ Phổ Vinh Quê Mẹ của nhà báo Nguyễn Thanh Địch.
Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thanh Địch (thứ hai từ phải sang) và các nhà báo Lê Bá Thuyên, Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam (thứ hai từ trái sang); Hoàng Nguyên Kỳ, Uỷ viên Ban Biên tập, Thư ký Toà soạn Báo Ảnh Việt Nam (phải); Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Biên tập Báo Ảnh Việt Nam (trái) khi còn công tác.
Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thanh Địch khi làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Pháp - 1950.
Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thanh Địch (thứ ba từ trái sang, hàng thứ hai) trong đoàn do Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Chân (người đứng giữa, hàng trước) dẫn đầu thăm CHDCND Lào (1977).
Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thanh Địch bên gia đình.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng