09:06 15/09/2019

Nhà báo Trần Thanh Xuân – người lãnh đạo Thông tấn xã Giải Phóng trong những năm tháng lịch sử

Được đào tạo ở Pháp, từng gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, nhà báo Trần Thanh Xuân (tên gọi thân mật là Năm Xuân), nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn là tấm gương sáng về nghị lực, ý chí chiến đấu cho các thế hệ sau noi theo.

Xung phong vào nơi lửa đạn

Nhà báo Trần Thanh Xuân (còn được gọi là ông Năm Xuân), quê Gò Công (thuộc Tiền Giang ngày nay). Sinh ra trong một gia đình nghèo, bán bánh mứt ở thị trấn Vĩnh Lợi nhưng ông Trần Thanh Xuân rất ham học và học rất giỏi. Ông đã được cấp học bổng toàn phần sang du học tại Pháp.

Ông Trần Thanh Xuân vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1946. Ông vừa là Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là Bí thư Liên chi Hội Việt kiều toàn nước Pháp, vừa là người của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông chính là cầu nối liên lạc giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng ta.

Sau một thời gian hoạt động, theo sự phân công của Nhà nước, ông quay trở về Việt Nam, được tổ chức phân công làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Thanh Xuân (1919 - 1987). Ảnh: TTXVN

Do nhu cầu công tác đối ngoại nên chỉ một thời gian ngắn, đầu năm 1955, Nhà nước ta lại thuyên chuyển ông về Việt Nam Thông tấn xã, trở lại Paris làm phóng viên thường trú. Rồi sau đó ông về nước, được Đảng và Nhà nước tăng cường cho Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã, tiếp tục với cương vị Phó Tổng biên tập.

Tháng 3/1973, sau Hiệp định Paris hai tháng, nhà báo Trần Thanh Xuân lên đường đi B. Ông nhận nhiệm vụ lãnh đạo Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP), chuẩn bị cho ngày kháng chiến toàn thắng về tiếp quản Sài Gòn.

Trong hồi ức của nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Ðỗ Phượng: “Ai cũng tôn trọng và quý mến anh Trần Thanh Xuân cả về năng lực nghiệp vụ lẫn đạo đức nhưng sở dĩ không ai nghĩ đến việc cử anh vào chiến trường vì tuổi tác và sức khỏe của anh. Tuy nhiên, không ai nỡ nói lời không đồng tình với ước mơ cháy bỏng và chính đáng của anh. Ý chí và nghị lực của anh Năm Trần Thanh Xuân mãi mãi là biểu tượng đặc trưng cho đội quân thông tấn lên đường đầu năm 1973. Một ông già đau yếu cùng đoàn quân trai tráng tuổi đôi mươi ra chiến trường không phải là sự tương phản mà lại là hình ảnh đẹp của sự hòa hợp ý chí chiến đấu, của lòng yêu nước đặc trưng Việt Nam".

Kiên trung với con đường cách mạng

Vào đến cứ "R" Tây Ninh, ông tham gia ngay Ban lãnh đạo TTXGP và là thành viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ông Trần Thanh Xuân và vợ cùng tham gia dựng lán lá Trung quân (phía dưới là căn hầm nửa chìm nửa nổi), cùng ăn cơm với mọi người ở bếp ăn tập thể, chan hòa với mọi người không phân biệt nhân viên, thủ trưởng.

Những ngày ở cứ trong rừng Tây Ninh giáp biên giới Campuchia thiếu thốn, gian khổ; vốn sức đã yếu chỉ còn một lá phổi để thở, bệnh tình tái phát nhưng nhà báo Trần Thanh Xuân vẫn làm việc quên mình.

Chú thích ảnh
Gia đình và đồng nghiệp tiễn Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã Trần Thanh Xuân (người đội mũ) dẫn đầu đoàn phóng viên GP10 vào chiến trường miền Nam (1973). Ảnh: TTXVN.

Trong cuốn hồi ức "Những năm tháng không quên" của bà Mai Thị Trình - vợ ông Trần Thanh Xuân cũng nhắc đến thời gian này. Qua lời kể của bà Trình càng thấy được con người hết lòng vì công việc của ông Trần Thanh Xuân. “Anh Xuân đi B trước tôi một năm, suốt thời gian đó anh không liên lạc với gia đình bằng con đường điện vụ. Khi gặp nhau, tôi hỏi vì sao anh không báo tin gì về nhà trong khi có vài người bạn vẫn liên lạc với gia đình, anh Xuân trả lời việc dùng phương tiện chung để nhắn tin về nhà là vi phạm kỷ luật vì địch vẫn tìm cách bắt sóng để theo dõi bên ta, việc liên lạc chính thức cũng phải rất hạn chế huống chi dùng để nhắn chuyện riêng là điều không bao giờ anh làm”, vợ nhà báo Trần Thanh Xuân chia sẻ trong hồi ký.

Ông Trần Thanh Xuân cũng là một trong những nhân chứng lịch sử của ngày 30/4/1975. Theo cuốn hồi ức của bà Mai Thị Trình, Thông tấn xã chia thành năm mũi. Bốn mũi lên đường từ mấy hôm trước theo các sư đoàn, mỗi mũi có một biên tập, một nhiếp ảnh, hai điện vụ. Mũi trung tâm là đoàn Thông tấn xã Giải Phóng, trong đó có vợ chồng ông bà Trần Thanh Xuân, đoàn gồm 40 người thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục gồm có phóng viên, điện vụ và các đồng chí cấp dưỡng mang theo thức ăn, vì lệnh trên phổ biến tuyệt đối không được mua bán trên đường đi. Số còn lại vẫn đóng ở R trong đó có đồng chí Đào Tùng. 

3 giờ sáng ngày 29/4/1975, đoàn xuất phát từ R đi bằng xe tải, com-măng-ca và xe gắn máy. Đến chiều tập trung ở rừng cao su, gặp các đoàn của Trung ương Cục tập họp ở đây, ra đến đường lộ tập trung thành đội hình rất dài, gồm Thông tấn xã, Đài Phát thanh, Điện ảnh giải phóng, Báo Giải Phóng....

5 giờ sáng ngày 30/4/1975, Đài tiếng nói Việt Nam phát đi bài xã luận trên báo Nhân dân kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước xông tới giành chiến thắng cuối cùng. 6 giờ sáng, đoàn ra khỏi rừng cao su, tập trung trên đường lộ và đợi lệnh. 9 giờ sáng, Đài phát thanh Giải phóng kêu gọi binh sĩ Sài Gòn bỏ súng đầu hàng. Xe com-măng-ca chở phóng viên của Thông tấn xã phóng đi ngay. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lúc 11 giờ 30 phút, thì Thông tấn xã đã có ảnh gửi ra Hà Nội, ngay tối hôm đó hình ảnh cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Ngày 1/5/1975, các báo Hà Nội công bố những bức ảnh lịch sử đó cho toàn thế giới.

Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì cả đoàn của nhà báo Trần Thanh Xuân mới được lệnh khởi hành. Đến 4 giờ chiều đoàn đến Sài Gòn.

"Có thể nói tôi là người phụ nữ duy nhất đi trong mũi trung tâm vào tiếp quản Sài Gòn. Trên đường đi, giày, nón, áo quần của quân ngụy vứt ra đường suốt cả cây số, từ lính đến sĩ quan cởi bỏ quần áo, mặc quần đùi bỏ chạy. Đến ngã tư Bảy Hiền, các đoàn tách ra tìm cơ quan mình tiếp quản, chúng tôi hỏi thăm mấy em nhỏ đường đến trụ sở của Việt Tấn xã nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Khi chúng tôi đến nơi chỉ còn vài nhân viên Việt Tấn xã ở lại để bàn giao. Sau khi tiếp quản, tối đó anh em ngủ trên bàn làm việc, tổ chức người canh gác nhiệm sở. Ngay ngày hôm sau các phóng viên tỏa đi lấy tin", bà Mai Thị Trình chia sẻ trong cuốn hồi ức.

Cũng từ thời điểm này, nhà báo Trần Thanh Xuân đã cùng với lãnh đạo cơ quan và cán bộ tiếp quản cơ ngơi Việt Tấn xã của chính quyền cũ, an cư, ổn định tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Thông tấn xã Việt Nam.

Truyền cảm hứng cho thế hệ sau

Đến bây giờ, khi đã gần 90 tuổi, ông Nguyễn Văn Trường, nguyên Trưởng ban Biên tập Tin trong nước, nguyên Phó Tổng biên tập Tuần tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) vẫn nhớ tới ký ức về nhà báo Trần Thanh Xuân, nguyên  Phó Tổng giám đốc TTXVN. Ông Trường vẫn nhớ những ngày mùa xuân năm 1975, khi đó ông còn rất trẻ, được cử vào “biệt phái” tại Sài Gòn. Quãng thời gian này, ông được làm việc trực tiếp với ông Trần Thanh Xuân.

“Anh Năm Xuân tính tình rất đức độ, thương cán bộ, thấy tôi gày yếu nên thường xuyên hỏi han, động viên, trong khi sức khỏe của anh cũng rất yếu, khi đó anh Xuân chỉ còn một lá phổi”, ông Nguyễn Văn Trường nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Trường cho biết, ngày đất nước thống nhất, có cơ quan khi "chung sống một nhà" có chuyện "bằng mặt không bằng lòng". Nhưng Thông tấn xã hai miền Nam - Bắc sáp nhập một nhà, ông Trần Thanh Xuân đã cùng ông Đỗ Phượng hợp tác, đoàn kết anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ Biên tập giao, sớm ổn định tổ chức và đội ngũ cán bộ, phóng viên để đi vào hoạt động nghiệp vụ một cách nhịp nhàng, hơn nữa còn có những sáng kiến, đổi mới. Bao trùm cả Thông tấn xã là không khí đồng thuận, mở mang, vui như Tết.

Chú thích ảnh
Vợ chồng ông Trần Thanh Xuân ngày đăng ký kết hôn vào năm 1953 tại Paris (Pháp). 

Nói về nhà báo Trần Thanh Xuân, ông Nguyễn Văn Trường không khỏi bồi hồi: “Tôi có dịp được anh Năm Xuân chia sẻ những câu chuyện về đời sống riêng tư của mình. Anh Xuân đã từ bỏ ước mơ, gác con đường khoa học sang một bên vì nhiệm vụ cách mạng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, làm báo, anh Năm Xuân cũng luôn kiên trung theo con đường mình đã chọn, từ một trí thức yêu nước đến với cách mạng rồi anh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của Thông tấn xã Việt Nam. Với tôi, anh Năm Xuân là một thủ trưởng - một người anh - rất tri thức, đôn hậu, trong sáng”.

Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Hồ Tiến Nghị đã chia sẻ trong cuốn hồi ức "Những năm tháng không quên" của bà Mai Thị Trình - vợ ông Trần Thanh Xuân: Đầu những năm 60, tôi đã được học hỏi và làm việc trực tiếp cùng ông Trần Thanh Xuân. Là lớp cán bộ trẻ mới vào nghề, chúng tôi luôn được ông giảng cho nhiều bài học, từ cách tiếp cận thông tin, làm tin, viết bài, đi phỏng vấn, viết phóng sự đến cách xuống địa phương nắm bắt tình hình. Ông nói cho chúng tôi nghe khá nhiều về thế giới phương Tây cũng như những điều cần tránh, phải cảnh giác. Những điều đó đã giúp chúng tôi có cách nhìn khoa học, biện chứng và logic, không sai lệch, cực đoan về cả phía chúng ta và cả phía phương Tây xa lạ. Giống như cố Giám đốc Hoàng Tuấn, ông Trần Thanh Xuân rất uyên thâm, khi nói chuyện thời sự hay truyền đạt nghị quyết, cách nói rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm, không phải lãnh đạo nào cũng có được.

"Vì những lẽ đó mà tôi đã gọi những thế hệ sáng lập và tạo dựng nên Việt Nam Thông tấn xã sau khi nước ta giành được độc lập 2/9/1945 là “Thế hệ vàng”. Nhờ sự đào tạo, rèn luyện của thế hệ cán bộ vàng ấy mà lớp cán bộ trẻ chúng tôi đã có nhiều người trưởng thành mau chóng...”, ông Hồ Tiến Nghị chia sẻ.

Trang Thu/Báo Tin tức