06:11 20/06/2012

“Nhà báo” thương binh

Chỉ với cây bút, chiếc xe lăn cùng với sự đam mê, người thương binh ấy đã lặn lội khắp nơi không quản nắng mưa để cho ra đời những bài báo đầy ý nghĩa. Mọi người vẫn quen gọi anh là “nhà báo” thương binh…

Chỉ với cây bút, chiếc xe lăn cùng với sự đam mê, người thương binh ấy đã lặn lội khắp nơi không quản nắng mưa để cho ra đời những bài báo đầy ý nghĩa. Mọi người vẫn quen gọi anh là “nhà báo” thương binh…

“Nhà báo” thương binh ấy là Vũ Đình Tiến, thương binh nặng đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ). Với dáng vẻ nhanh nhẹn, tiếng cười vẫn rộn ràng trẻ trung và “lửa” nghề thì chưa bao giờ “nguội”.

“Nhà báo” thương binh Vũ Đình Tiến hơn 20 năm lăn lộn với nghề trên chiếc xe lăn.


Đến thăm anh vào một ngày mưa, tôi bắt gặp người lính ấy đang ngồi bên hiên trầm tư lật giở trang sách. Tươi cười, anh mời khách vào nhà, chiếc xe lắc 3 bánh dành cho thương binh nặng kêu lọc cọc trong từng nhịp di chuyển. Suốt hơn 20 năm qua, chiếc xe lắc đã cùng anh rong ruổi khắp nơi, miệt mài đi viết về chân dung những con người bình dị thôn quê, hay những bài viết về đề tài xã hội đầy sắc sảo.


Anh kể lại: Khi mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3, nhiệt huyết như bao chàng trai khác, anh gia nhập quân ngũ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau khi bị thương, năm 1989, anh được chuyển về điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ với thương tật mất tới 95% sức khỏe. Nhớ lại những ngày đầu mới về trung tâm, anh Tiến không khỏi bồi hồi: “Tôi bị thương, nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. Chiếc radio cũ là người bạn thân thiết nhất. Tôi nằm nghe hết chương trình này đến chương trình khác, thấy được nhiều tấm gương vượt khó và lấy đó làm nguồn động viên để mình nỗ lực sống”.


Cái “duyên” của anh với nghề báo cũng bắt đầu từ chiếc radio cũ kỹ ấy. Nghe được nhiều câu chuyện và cũng muốn chia sẻ với bạn nghe đài về những trăn trở của mình, anh viết lại những năm tháng đã trải qua nơi chiến trường. Tác phẩm đầu tiên của anh với tiêu đề “Bản lĩnh”, viết về một anh bộ đội ra quân làm kinh tế giỏi được phát trong chuyên mục “Chuyện kể ở đại đội” của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân. Lần đầu tiên tác phẩm được đăng tải, anh mừng phát khóc, cả đêm chộn rộn vui sướng không ngủ được. Cũng kể từ đó, anh say mê viết kịch và hoàn thành truyện ngắn đầu tiên với tựa đề “Thằng câm”, kể về một em bé bị câm nhưng rất thông minh và hay giúp đỡ mọi người ở quê anh.


Đây cũng là khoảng thời gian viết “khỏe” nhất của Vũ Đình Tiến. Nằm liệt giường, không thể ngồi dậy được nên phải nằm ngửa, khi thì lấy cái mâm, khi thì là tấm bảng đặt lên ngực rồi viết. Nhưng anh vẫn viết say mê, nhiều đêm thức trắng nằm viết miệt mài dưới ánh đèn dầu. Lo mình nằm viết chữ sẽ khó đọc nên bao giờ cũng vậy, anh phải viết nháp một lần rồi lại nắn nót viết lại cho thật sạch sẽ, sửa lỗi chính tả rồi mới dám gửi đi. “Có những bài viết hàng nghìn chữ, viết thâu đêm, đến khi xong thì mệt nhoài nhưng vẫn cảm thấy phấn khởi và vui sướng lắm”, anh Tiến nhớ lại.


Năm 1994, sức khỏe anh đã hồi phục hơn trước, lại được tặng chiếc xe lắc 3 bánh để tiện đi lại, anh hăng hái đi các nơi để viết bài. Không thể tự đi, anh phải nhờ người lấy xe máy kéo đi để lấy tư liệu. Chẳng thế mà nhiều người dân không khỏi giật mình trước hình ảnh một chiếc xe máy đi chầm chậm kéo theo một anh thương binh ngồi trên xe 3 bánh đi khắp các làng, xã của huyện, tỉnh không kể ngày nắng hay ngày mưa.


Anh viết về những người đồng chí, đồng đội của mình, về những người thương binh ngay tại trung tâm hay những đề tài dung dị trong cuộc sống thường ngày. Chính vì hiểu, gắn bó với những nhân vật, những vùng đất ấy mà bài viết của anh như chính hơi thở cuộc sống, chân thật và gần gũi. Những tác phẩm của anh được công chúng đón nhận, đồng thời cũng được giải cao tại các cuộc thi viết tại các báo địa phương và Trung ương.


Phóng sự “Ở một khu điều dưỡng thương binh” viết về chính trung tâm điều dưỡng của anh đã được tặng giải thưởng trong Cuộc thi viết về đề tài thương binh, liệt sĩ do báo Quân đội Nhân dân tổ chức năm 1997. Hay “Vì cái mương không biết đẻ mà” là tác phẩm đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong Cuộc thi viết về đề tài dân số- KHHGĐ do báo Lao Động tổ chức. Câu chuyện xoay quanh gia đình người thương binh dân tộc Tày tại trại điều dưỡng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.


Làm báo là công việc không hề dễ dàng với bất cứ ai, nhất là đối với một thương binh như anh thì càng khó khăn gấp bội. Vì phải ngồi xe lăn nên việc đi lại với anh đã là nỗ lực lớn. “Các cơ quan thường không bố trí đường đi cho xe lăn nên rất khó khăn. Có những cơ quan tôi đến phỏng vấn, họ tạo điều kiện bằng cách bố trí phòng ở tầng 1 để gặp tôi, nhưng có những cơ quan thẳng thừng từ chối”, anh Tiến tâm sự.


Chưa kể đến khoản thủ tục, giấy tờ, bởi anh chỉ là cộng tác viên (khi đó anh là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động), không có giấy tờ gì ngoài chứng minh thư và thẻ thương binh chứng nhận danh tính nên nhiều khi liên hệ công tác thì “nhà báo nghiệp dư” như anh cũng gặp không ít phiền toái. Nhiều nơi thẳng thừng tuyên bố vì anh không có giấy tờ, không phải nhà báo nên không tiếp. Thế nên việc anh thương binh với chiếc xe lăn lặn lội hàng chục cây số để xin gặp phỏng vấn, thu thập tài liệu nhưng phải trở về tay không là chuyện thường. Nhưng vượt lên trên tất cả, anh vẫn viết một cách hăng say, hết mình.


Đến nay, anh cũng đã viết được hàng trăm tác phẩm đăng tải trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương. Năm 2008, anh chính thức được Hội Nhà báo Việt Nam công nhận là hội viên. Ngoài viết báo, anh còn làm thơ và sáng tác truyện ngắn, tiểu phẩm… Tập truyện ngắn “Màu thời gian” (xuất bản năm 2001) và tập thơ “Khúc lãng du” (xuất bản năm 2005) của anh được công chúng đón nhận và yêu thích. Hiện anh cũng là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.


Đến nay, đã sắp bước sang tuổi 50 nhưng ngọn lửa đam mê nghề trong Vũ Đình Tiến vẫn luôn cháy bỏng. Mặc dù sức khỏe không còn được như trước, lại thêm công việc tại trung tâm khá bận rộn, anh vẫn dành thời gian để nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu và viết về những con người bình dị trên chính mảnh đất anh đang sống. “Khi thấy một vấn đề, đề tài nào đó mà không thực hiện được thì trong người bứt rứt không yên, cái xe lại phải lăn và cái tay phải viết như thói quen ăn cơm, uống nước hàng ngày vậy”, nhà báo Vũ Đình Tiến chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Thu Trang