06:10 19/06/2011

Nhà báo nữ và những gian truân

Stress được các chuyên gia tâm thần học ví như một thứ “gia vị” mà nếu “nêm nếm” một lượng vừa đủ thì sẽ khích lệ con người sáng tạo hơn để cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà báo nữ thì lượng “gia vị” này luôn ở trạng thái bị đổ “quá tay”...

Stress được các chuyên gia tâm thần học ví như một thứ “gia vị” mà nếu “nêm nếm” một lượng vừa đủ thì sẽ khích lệ con người sáng tạo hơn để cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà báo nữ thì lượng “gia vị” này luôn ở trạng thái bị đổ “quá tay”...

Nhiều áp lực phải vượt qua

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, số nhà báo nữ bị stress như đau đầu, mệt mỏi, cáu gắt, thậm chí bị trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… đang có xu hướng ngày một tăng. Và giải pháp của một số người là…

Chọn hướng chuyển nghề
- “Ngày mới tốt nghiệp cử nhân báo chí, tôi cũng hăng hái lắm, luôn tìm những đề tài mới lạ, những mong sẽ có nhiều tác phẩm báo chí được mọi người biết đến. Nhưng càng làm nghề, tôi càng cảm thấy để làm được điều đó là rất khó khăn và căng thẳng vì sức ép công việc quá lớn”, Hồng Hạnh, một cán bộ PR của một công ty Dược, trước đây đã từng là một phóng viên, tâm sự.

Phóng viên Thái Bình, Ban Biên tập Ảnh báo chí (TTXVN) đi tác nghiệp tại đảo Trường Sa.

Không bị sức ép sao được khi ngày nắng cũng như ngày mưa, bất cứ lúc nào có sự kiện liên quan đến lĩnh vực được phân công theo dõi là Hạnh đều phải “nhong nhong” ngoài đường. Trời rét 10oC cũng phải cố gắng dậy từ 2 giờ sáng để tới “thị sát” thực tế tại các chốt kiểm dịch, phản ánh hoạt động kiểm soát gia cầm không nguồn gốc vào thành phố như thế nào… Đó là chưa kể sức ép từ việc luôn phải có đề tài mới, phải hay, hấp dẫn, bài viết phải nộp đúng giờ, không được để lọt sự kiện... trong khi thu nhập cũng chỉ đủ cho Hạnh trang trải tiền thuê nhà và các chi phí đáp ứng cho nhu cầu cá nhân hàng ngày ở mức trung bình.

“Người yêu tôi cũng làm nghề báo nhưng chính anh ấy luôn tỏ ý muốn tôi chuyển sang làm nghề khác, một nhà có tới 2 hai nhà báo, “mạnh ai nấy đi” thì lấy ai chăm sóc con cái!”, Hồng Hạnh chia sẻ. Sức ép công việc, sức ép từ việc phải thay đổi nghề nghiệp đã khiến cô nữ phóng viên trẻ này từng có thời gian dài sống trong tình trạng khủng hoảng, không tập trung vào công việc, hay quên, mất ngủ, thường xuyên nhức đầu tới mức hoa mắt, chóng mặt...

Để thoát ra khỏi trạng thái stress này, ngoài việc tìm đến với các chuyên gia y tế, Hồng Hạnh buộc phải chuyển nghề khác, cho dù cô rất tiếc những kiến thức về báo chí đã được học suốt 4 năm đại học.

Sự đánh đổi vì nghề

BS Lê Minh Công, chuyên gia tâm lý, Bệnh viện Tâm thần trung ương II, Đồng Nai cho biết, anh cũng đã từng điều trị cho một số nhà báo bị stress nặng. Mới đây nhất là trường hợp một nữ nhà báo 26 tuổi, bị căng thẳng quá mức do quá nhiều bài vở, làm việc không có giờ giấc cụ thể, không có thời gian nghỉ ngơi, bất đồng với đồng nghiệp... Khi tới gặp nhà tâm lý, nữ nhà báo này ở trong tình trạng lo lắng, bị mất ngủ, nhức đầu liên tục... “Chúng tôi cùng làm việc trong 6 tháng, thời gian đầu bệnh nhân phải dùng thuốc hỗ trợ vì mức độ mất ngủ rất cao. Sau đó, bằng liệu pháp nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt, cô ấy đã dần lấy lại được cân bằng. Có điều, do không thể cân bằng giữa gia đình và công việc, nên sau đó nữ nhà báo này đã ly dị chồng”, BS Lê Minh Công cho hay.

Cũng trong cảnh “gà mái nuôi con”, nhà báo Lê Thanh Thúy, Thư ký tòa soạn một tờ báo lớn tại Hà Nội, chia sẻ: “Tạo sự cân bằng giữa gia đình và công việc là một việc không hề đơn giản, rất ít đấng mày râu chấp nhận người vợ lúc nào cũng vì công việc, bất cứ lúc nào cũng có thể ra khỏi nhà để đeo đuổi những đề tài luôn mới lạ”.

Ánh mắt xa xăm nhìn như vô định, nữ nhà báo đã từng tham gia thực hiện hàng loạt phóng sự điều tra với những đề tài gai góc, nóng bỏng giờ trở về đúng với vai trò của một “phái yếu”. Chị kể: “Tôi cũng từng rất đau khổ, căng thẳng khi phải đứng trước sự lựa chọn gia đình hay công việc. Năm 2000, khi còn sống với người chồng cũ và làm Truyền hình ở Đà Nẵng, tôi thường về nhà vào lúc nửa đêm vì phải lên hình cho bản tin cuối ngày. Sự bận rộn của người làm báo không cho phép tôi có thời gian ở cạnh và chăm sóc chồng con như người vợ, người mẹ khác. Vì thế, cuộc sống vợ chồng ngày càng nặng nề thêm…”.

Sau 1 năm ly thân, nhà báo Thanh Thúy đã phải đi đến quyết định “chia tay” với người chồng mà cho đến bây giờ chị vẫn trân trọng và khẳng định đó là một người đàn ông tốt. Thời gian đầu mới ly hôn, chị bị sốc nặng, 6 tháng trời chị tự “nhốt” mình trong nhà để buồn và khóc ròng, chị không cho một người bạn nào biết chị đã rời Đà Nẵng về Hà Nội sinh sống.

Nhưng dù đã chọn cảnh một mình nuôi con để thỏa niềm đam mê với nghề báo nhưng Thanh Thúy vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái căng thẳng. Chị tâm sự: “Trong nghề báo, nam giới làm phóng sự điều tra đã vất vả thì đối với nữ nhà báo, nhiệm vụ này còn nặng nề gấp bội. Giờ đây, sự căng thẳng đến từ chính sự lựa chọn những đề tài gai góc, đòi hỏi sự đầu tư quá nhiều về thời gian, công sức, thậm chí cả sẵn sàng đối diện với hiểm nguy. Vì những điều đó mà tôi luôn thấy day dứt, thấy mình có lỗi với con vì đã dành cho con quá ít thời gian…”.

Đam mê với thể loại phóng sự điều tra, nhà báo Thanh Thúy là người đã đoạt được nhiều giải báo chí với các tác phẩm: “Thái Bình - Nỗi đau da cam”; “4 giờ dưới lòng địa phủ”; loạt bài về than thổ phỉ ở Quảng Ninh; loạt bài về lập chùa giả, động giả ở Chùa Hương; loạt bài về mua bán chất ma túy ở những điểm nóng như đường tàu Hải Phòng... Nhưng để có được những tác phẩm thành công này, Thanh Thúy luôn phải đối diện với nỗi lo lắng rằng một ngày nào đó, những kẻ xấu mà chị phản ánh trong các phóng sự sẽ trả thù, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân và nhất là đứa con trai yêu quý của chị.

Nhớ lại lần thâm nhập thực tế làm phóng sự về ma túy đường tàu ở Hải Phòng, nhà báo Thanh Thúy kể: “Trong khi đóng giả một cán bộ tuyên truyền, phát bơm kim tiêm, bao cao su cho người nghiện ma túy, bất ngờ, tôi và người bạn bị một tay anh chị chặn đường hỏi: “Vào đây làm gì?”. Vừa nói hắn vừa lùa tay vào chiếc túi to mà chúng tôi dùng bơm kim tiêm để “ngụy trang” cho chiếc máy ảnh. Nếu tay hắn chỉ thọc sâu xuống thêm một chút thôi, khi chiếc máy ảnh lộ ra thì có lẽ tôi và người bạn đồng nghiệp sẽ khó có thể bình yên mà trở về”.

Sau khi bài báo này đoạt Giải Báo chí Việt Nam năm 2008, nhà báo Thanh Thúy được Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị chị hợp tác để quay lại khu vực ma túy đường tàu Hải Phòng một lần nữa. Và sau đó, chị lại thêm một phen “mất ăn mất ngủ” vì những cú điện thoại đe dọa sẽ “xử đẹp” nếu tiếp tục “liều”.

“Những lúc như thế, tôi cũng thấy mình hơi chùng xuống, tự hỏi mình làm những việc này để làm gì, sẽ ảnh hưởng đến con ra sao? Sao mình cứ phải vì công việc để rồi nhiều lúc buổi sáng chia tay con mà chỉ cầu mong được trở về nhà để chào con thêm lần nữa...”, nhà báo Thanh Thúy ngân ngấn nước mắt nói.

Quá đam mê với công việc, nữ nhà báo đầy cá tính này luôn cảm thấy có lỗi với cậu con trai bé bỏng. Chị ngậm ngùi cho biết, ước mơ của con trai chị đơn giản lắm, cháu chỉ mong được mẹ về sớm, được ăn cơm cùng mẹ và được mẹ chơi cùng. “Nghe con nói, tôi thấy đắng lòng lắm. Giá như được phép lựa chọn lại, có lẽ tôi sẽ chọn cách không đánh đổi gia đình để lấy công việc, như vậy con tôi sẽ có một người cha và được sống cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác…”.

Sau 15 năm lăn lộn với nghề báo, chị Thúy còn nhận ra một điều rằng, phụ nữ làm báo và chọn con đường dấn thân với nghề thì cái giá chẳng thể nào đo đếm được. Hơn nữa, sau nhiều năm làm báo, tính độc lập của những nữ nhà báo rất cao, rất “cảnh giác” với đàn ông, việc họ tìm được một hạnh phúc mới sau khi ly hôn là rất khó khăn. “Vì vậy, không nên chọn cách “đánh đổi” gia đình lấy nghề nghiệp, dù bản lĩnh đến mấy thì người phụ nữ vẫn cần một bờ vai để nương tựa. Và quan trọng nhất là bạn sẽ giữ được cho con mình một người cha, một mái ấm gia đình…”, nhà báo Thanh Thúy chia sẻ.
Cách lựa chọn đổi nghề của Hạnh, hay chọn công việc thay gia đình mà nhà báo Thanh Thúy đã lựa chọn, chỉ là một trong nhiều hoàn cảnh mà nhà báo nữ đã và đang tìm cách để vượt qua trong quá trình đeo đuổi nghề báo. Và theo kinh nghiệm của nhiều nữ nhà báo thì điều quan trọng nhất là phải giữ được sự cân bằng giữa gia đình và công việc. Có như vậy, các nhà báo nữ vừa có thể làm tốt nghề báo, vừa có thời gian chăm lo cho tổ ấm riêng mà không rơi vào trạng thái stress trầm trọng.

Stress với nhà báo

Tại sao nhà báo lại hay bị stress? Công thức “gia giảm” nào có thể giúp các nhà báo biến stress thành thứ “gia vị” kích thích sự phát triển? Chuyên gia tâm lý lâm sàng Lê Minh Công, Bệnh viện Tâm thần trung ương II, Đồng Nai, trao đổi với PV báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Theo ông, những nguyên nhân nào khiến nhà báo hay bị stress?

Nhà báo, hay bất kể một ai đó cũng có thể dẫn tới những trạng thái phản ứng stress. Tuy nhiên với một công việc đặc thù, nhà báo được coi là nghề dễ dẫn tới stress nhiều hơn. Nguyên nhân có thể kể đến là: Áp lực sự kiện thông tin mà báo chí phải chuyển tải, thời gian làm việc không rõ ràng và có thể kéo dài, áp lực phải đeo bám thông tin, sự kiện tiếp cận, đặt mục tiêu quá cao so với khả năng, nhất là đối với một số nhà báo trẻ… Bên cạnh đó, nói như GS Trần Ngọc Thêm thì ở Việt Nam, nữ nhà báo bị stress nhiều hơn là bởi vì họ đại diện cho âm, nghĩa là theo truyền thống thì phải chăm sóc gia đình, lo việc nhà, nhưng nữ nhà báo hiện nay lại phải làm công việc dương, như làm việc ngoài xã hội, tiếp cận mọi người… Sự mâu thuẫn đó dẫn tới stress của các nhà báo nữ.

Vậy stress là gì? Stress có lợi hay có hại, thưa ông?

Hiểu một cách bao hàm nhất thì stress là một đáp ứng tích hợp cả về mặt sinh học - tâm lý - xã hội của cá nhân với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó thích hợp. Như vậy, khi nói đến khái niệm stress nghĩa là nói đến những đáp ứng của con người cả về mặt tâm lý, sinh lý và xã hội trước những tác nhân kích thích (ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, hay sự tác động của các sự kiện xã hội...). Stress có hai loại: Stress bệnh lý và stress thông thường. Stress thông thường là những kích thích và phản ứng của cơ thể không gây nguy hại, con người có thể vượt qua được nếu biết cách thích ứng. Stress bệnh lý là khi cường độ, mức độ, thời gian diễn ra kích thích và phản ứng vượt quá khả năng thích nghi của cơ thể. Khi đó cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, cáu gắt, chán ăn… Và nếu kéo dài hơn, cường độ nặng hơn và con người không thể thích nghi được có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… Stress nói chung là một hiện tượng bình thường của con người, không ai là không bị stress và nói như các nhà tâm thần học thì stress là chất kích thích, là gia vị của cuộc sống. Con người sống mà không có stress thì thiếu kích thích cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu rơi vào trạng thái stress bệnh lý mà không có cơ chế thích ứng thì sẽ khiến họ rơi vào trạng thái nguy hiểm.

Muốn tránh căng thẳng do stress, các nhà báo cần phải làm gì, thưa ông?

Như tôi đã nói, stress không hề có hại mà nó còn mang lại nhiều tác động tích cực cho con người. Stress chỉ có hại khi mà nó trở thành stress bệnh lý và ta không thích nghi được nó. Vì vậy, muốn không bị stress bệnh lý cần phải thích ứng được các kích thích. Trước tiên cần nhận diện tình huống stress và nhận thức nó một cách tích cực. Thứ hai, cần phải có một cuộc sống tích cực hơn như việc phải sắp xếp lịch làm việc phù hợp, có thời gian giải trí. Thứ ba, cần giữ cho mình thói quen tập thể dục thường xuyên. Thứ tư, luôn có những người bạn để có thể chia sẻ với mình khi có những khó khăn. Và quan trọng hơn, hãy coi công việc là đam mê của mình nhưng đừng bao giờ đặt ra mục tiêu quá cao so với khả năng. Đừng bao giờ dồn mình vào thế mà mình không thể vuợt qua vì như vậy tình huống stress sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Khi mỗi người làm chủ cuộc sống của mình, stress sẽ không trở thành mối nguy hại. Tuy nhiên, khi stress ở trạng thái bệnh lý với các triệu chứng như đã nêu thì nữ nhà báo cần đến tham vấn tại một cơ sở chuyên khoa.

Xin cảm ơn bác sĩ!




Phương Liên (thực hiện)