06:21 21/06/2017

Nhà báo Nguyễn Văn Học: Miệt mài đi, miệt mài viết

Làm báo không chỉ là đam mê, mà còn là khát vọng. Với nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Học (báo Nhân Dân), trong hơn 10 năm cầm bút, anh để lại dấu ấn bằng các phóng sự điều tra sắc nét, hay những lần xông pha tại các điểm nóng để đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc, hoặc là việc đồng hành cùng những phận người…

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Học.

Những lần “thập tử nhất sinh”


Gặp nhà báo Nguyễn Văn Học trong một buổi ra mắt sách, khi đó tôi mới chỉ là một phóng viên mới vào nghề. Anh khiến tôi ấn tượng ngay với cách nói chuyện thân mật, cởi mở, rất nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm làm báo. Với tôi, anh như một người thầy.


Quen với anh lâu, tôi luôn ngưỡng mộ tinh thần làm báo bằng tất cả tâm huyết, đầy trách nhiệm. Anh xả thân với nghề, bất chấp nhiều hiểm nguy để có được những phóng sự, loạt bài chất lượng. Nhưng hơn tất cả là cái tâm, mong muốn đưa nhiều vụ việc khuất tất ra  ánh sáng, mang lại công bằng cho nhiều người, cùng “đồng cam cộng khổ” với những phận người… Đằng sau những bài báo của anh luôn là những câu chuyện khiến người nghe phải rùng mình.


“Đến giờ tôi vẫn cảm thấy lạnh người khi nhớ lại chuyến công tác đi lấy thông tin điều tra về đường dây mại dâm liên tỉnh. Đó là một buổi tối mùa hè, đám côn đồ phát hiện ra tôi và chặn lại, tên nào cũng đằng đằng sát khí, một gã vung khúc côn sượt bên đầu. Nếu lúc đó tôi không nhạy cảm và mau chóng cúi xuống, thì hẳn đã lĩnh hậu quả khôn lường. Hay cảm giác hoang mang nghĩ rằng mình không còn đường về quê khi trong một lần đi viết bài bị các đối tượng ở một làng giết mổ gia súc dọa “cắt gân”, lần ấy người thân của tôi đã phải rơi những giọt nước mắt tuyệt vọng”, anh kể lại.


Mỗi chặng đường, mỗi tác phẩm đều gắn với những kỷ niệm khó quên, nhưng có lẽ, bài viết khiến anh thấy tâm đắc nhất là loạt bài 3 kỳ in trên báo Nhân Dân cuối tuần năm 2015. Anh đã phải dành một tuần để đi tìm lại các nhân chứng, những người có công trong công việc vận chuyển vũ khí và lương thực lên Điện Biên từ năm 1953-1954… Kết quả của chuyến đi dài qua nhiều huyện ở miền tây tỉnh Thanh Hóa, qua Hòa Bình, Sơn La… là các cơ quan chức năng đã lên tiếng và lực lượng dân công hỏa tuyến đã được hưởng chế độ. Trong những chuyến đi ấy, anh cũng đồng hành cùng những lão nông dũng cảm, phanh phui ra hàng loạt đường dây “chạy” chế độ người có công…


Ngòi bút không ngơi nghỉ


Miệt mài đi và viết, những tưởng người ta chỉ biết đến nhà báo Nguyễn Văn Học với các phóng sự điều tra khô cứng. Nhưng anh còn khiến nhiều người ngạc nhiên khi còn là tác giả của 20 tập truyện ngắn. Có thể kể đến những tập truyện ngắn tiêu biểu làm nên tên tuổi của Nguyễn Văn Học như: "Gái điếm" (NXB Văn học, 2008), "Hỗn danh" (NXB Hội nhà văn, 2011), "Những cơn mưa thảng thốt" (NXB Văn học, 2015)…


Điều làm nên cây bút Nguyễn Văn Học là mỗi nhân vật, câu chuyện đều chân thực, bình dị, như cóp nhặt từ trong cuộc sống thường ngày. Các nhân vật của anh luôn mang những nỗi đau khổ, bất hạnh riêng, thậm chí bị xa lánh. Tuy vậy anh luôn dành cho họ sự thương cảm, anh nâng niu từng nhân vật của mình, tìm ra những góc khuất đẹp đẽ nhất, anh tôn trọng họ.


Với anh, sáng tác văn chương là niềm say mê đặc biêt, anh thường nói đùa rằng, anh viết báo để nuôi văn. Mỗi chuyến đi công tác, mỗi lần tiếp xúc với những phận người là nguồn đề tài vô tận cho anh sáng tác.


“Chỉ có chất lượng và tính thực tế trong các bài viết mới cho thấy người viết đã đổ mồ hôi. Sự thật ở đời dẫn tôi đi những chuyến đi đầy ý nghĩa. Tôi đã trải nghiệm, đã đau khi rừng kêu cứu, khi sông suối bị gặm nham nhở vì khai khoáng. Tôi sốt ruột khi thấy những dòng sông cùng lúc phải cõng nhiều dự án thủy điện chỉ làm vì mục đích làm giàu cho một số ít người. Tôi đau lòng vì cuộc sống ở đâu đó còn quá nhiều bất công. Điều đó đã thôi thúc để những phóng viên như chúng tôi lên đường, chịu gian nan vất vả”, nhà báo Nguyễn Văn Học chia sẻ.


Tạ Nguyên/ Báo Tin Tức