08:19 13/08/2015

Nhà báo Hữu Thọ luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong cuộc đời làm báo

Nhà báo Hữu Thọ luôn được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là một cây bút lão luyện, xuất sắc của làng báo chí nước nhà.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 13/8/2015, hưởng thọ 83 tuổi.


Nhà báo Nguyễn Hữu Thọ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ khai mạc Hội Báo Xuân 1998. Ảnh: Hà Mùi - TTXVN


Nhà báo - nhà hoạt động cách mạng


Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 tại Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thọ và có nhiều bút danh khi viết báo là Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính. Ông là học sinh Trường Bưởi - nay là Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội). Ông từng tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội. Sau đó, ông thoát ly gia đình tham gia kháng chiến từ ngày 19/12/1946, làm liên lạc cho Tự vệ chiến đấu khu phố Tống Duy Tân, Mặt trận Hà Nội.


Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Thư Trì, Chính trị viên trung đội du kích Căm Hờn huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình; Chính trị viên đại đội bộ đội, Khu Tả ngạn sông Hồng; tham gia tiếp quản thị xã Hải Dương, ủy viên Thường vụ Thị ủy năm 1955.


Nhà báo Hữu Thọ làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957, là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Ông nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại Quốc hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006).


Dấu ấn trong sự nghiệp tư tưởng của nhà báo Hữu Thọ được ghi qua các giải thưởng: ngoài 8 giải Nhất do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng với tư cách là nhà báo, ông còn được giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970), Bằng Danh dự và Huy chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); huân chương kháng chiến hạng nhất; huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam"; huy chương "Vì sự nghiệp báo Nhân Dân".


Ông nghỉ hưu tháng 1-2007; là nhà báo lão thành ở Việt Nam vẫn tiếp tục viết báo, trao đổi ý kiến, giữ chuyên mục "Chuyện làm ăn","Bàn góp sự đời" trên báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa, "Chuyện đời" trên tạp chí Thế giới mới...


Nhà báo Nguyễn Hữu Thọ tại buổi giao lưu của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 28/1/2000. Ảnh: Minh Điền - TTXVN


Làm báo “phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc”


Nhà báo Hữu Thọ luôn được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là một cây bút lão luyện, xuất sắc của làng báo chí nước nhà. Cái tên Hữu Thọ thân quen, gần gũi với độc giả cả khi ông đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn là cây bút chủ lực trong nhiều chuyên mục và trên các diễn đàn với ngòi bút chân thực, thẳng thắn - vẫn đắm mình trong những trang viết mang dấu ấn đặc sắc của riêng ông.


Trong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, Nhà báo Hữu Thọ nổi tiếng bằng hàng loạt tác phẩm báo chí với nhiều thể loại khác nhau, từ bình luận, tiểu phẩm, bút ký, đối thoại đến phê phán… được bạn đọc quan tâm đón nhận, bởi nó phản ánh chân thực muôn mặt của cuộc sống, thẳng thắn phản ánh những tiêu cực của xã hội để cùng nhau cảnh tỉnh, điều chỉnh, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, các tác phẩm ấy luôn đưa đến cho bạn đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.


Trong đó phải kể đến “Chuyện nhà chuyện nước” là tập tản văn, tiểu luận, gồm những nét chấm phá đa màu sắc về của cuộc sống khi đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ đổi mới. Mỗi câu chuyện gửi gắm đến bạn đọc thông điệp cảm động đầy tính nhân văn về mối quan hệ của con người, về những hiện tượng xã hội; những triết lý sâu sắc về lẽ sống.


Đó là "Đối thoại" - cuốn sách phản ánh nhiều vấn đề nóng hổi của dư luận và xã hội. Ông cho rằng nhà báo chỉ có thể đối thoại với xã hội bằng cách thông tin về những vấn đề thời sự “nóng”, đang được cả xã hội đương đại quan tâm, trăn trở nghĩ suy, tìm cách tháo gỡ để phát triển hài hòa, vững chắc. Ông tự chiêm nghiệm, muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh thật nhanh nhạy những vấn đề xã hội nảy sinh hàng ngày trong đời sống dân chúng. Nhưng muốn “biết” như thế, rất cần một điểm tựa nghề nghiệp đặc thù: “phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.


Được ví như cuốn “Đối thoại 2”, "Chia sẻ" là cuốn sách gồm 42 câu chuyện, 42 cuộc đối thoại sâu sắc của nhà báo Hữu Thọ với các cây bút có kinh nghiệm ở các tờ báo, qua đó chuyển tải những thông điệp thể hiện quan điểm, chính kiến của tác giả cũng như người làm báo trước sự kiện, tình huống diễn ra trong xã hội, ở nhiều thời điểm và lĩnh vực khác nhau. Thông qua tác phẩm này, nhà báo Hữu Thọ cũng muốn gửi tới người làm báo thông điệp “Nhà báo là một nghề cao cả, dù không có danh hiệu ưu tú hay nhân dân, nhưng chỉ cần một cái tin nhỏ trên báo cũng được ghi danh mình, trong khi đó một kiến trúc sư thiết kế tòa nhà đồ sộ cũng không thể viết tên mình lên đó được. Và điều đó lại càng thấy trách nhiệm của báo chí là rất lớn”.


“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là tập sách bao gồm các bài viết, bài nói của Nhà báo Hữu Thọ về nghề báo. Tuy mỗi bài ở đây đề cập đến một vấn đề khác nhau xung quanh nghề báo, nhưng sâu thẳm trong đó có chung một mục đích là những lời nhắn gửi sâu sắc và tâm huyết tới các nhà báo trẻ về bản lĩnh, đạo đức và lương tâm của người làm báo, là những trăn trở của ông về nghề báo trước những vấn đề của xã hội, trăn trở về những điều nhà báo cần phải vượt qua trong quá trình đi tìm chân lý; đặt ra cho nhà báo những nghĩ suy và trách nhiệm trong thời kỳ phát triển mới của đất nước… Giải thích về tựa đề của cuốn sách, ông khẳng định: Nhà báo cần phải có “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, nghĩa là phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp.


"Ô, Dù, Lọng" là tên tiểu phẩm được nhà báo Hữu Thọ đặt cho cuốn sách viết theo lối châm biếm, nhằm phê phán, lên án những hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh trong xã hội, qua đó bàn về cách khắc phục. Các tiểu phẩm trong cuốn sách đều mang dấu ấn đời thường - một mảng đặc sắc trong sự nghiệp báo chí của nhà báo Hữu Thọ, là sự cống hiến của nhà báo Hữu Thọ trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái từng viết: “Có lẽ vẻ đẹp quán xuyến suốt toàn bộ các tác phẩm báo chí của cây bút lão thành Hữu Thọ chính là tinh thần đối thoại thẳng thắn với xã hội của người làm báo chuyên nghiệp”. Chính bởi vậy, không khó hiểu vì sao mỗi tác phẩm của ông khi ra đời, đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bạn đọc và công chúng.


Ngô Trọng Bình (tổng hợp)