09:21 12/09/2012

Nhà báo Đoàn Việt với tác phẩm “35 năm làm báo”

Trong cuộc đời làm báo của mình, anh đã viết hơn 2.500 tin, bài và chụp gần 1.000 bức ảnh. Trong tập sách này, anh chọn hơn 130 tin, bài và hơn 50 ảnh (phần lớn là ảnh gắn với tin, bài), phản ánh về cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Nhà xuất bản Thông tấn.


Nhà báo Đoàn Việt thuộc lớp phóng viên cuối cùng của cơ quan Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được đào tạo phục vụ chiến trường miền Nam.


Vào giữa tháng 7/1972, khi đất nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, trong đó, có cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (diễn ra từ giữa tháng 6/1972), thì Đoàn Việt cùng gần 150 anh chị em sinh viên rời các trường Đại học Tổng hợp, Ngoại ngữ, Ngoại giao vào học lớp phóng viên VNTTX (GP - 10) để đi chiến trường.


Cho đến nay, đây là khóa đào tạo phóng viên tốt nghiệp đại học đông nhất và là một trong những khóa chịu nhiều gian khổ nhất trong chiến tranh của TTXVN. Có thể coi, họ thuộc thế hệ “phóng viên vàng” của TTXVN.



Sau khi học xong lớp phóng viên, Đoàn Việt đã trải qua những năm tháng của người chiến sĩ cầm bút: Vượt Trường Sơn vào Nam; sống và làm báo trong R, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; sống ở Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh những năm đầu giải phóng; học lớp phóng viên nước ngoài; dịch tin ở Ban Thế giới; đi thường trú ở tỉnh biên giới Cao Bằng đầu những năm 1980; học trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc và sau đó là phóng viên, Trưởng phân xã Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến khi nghỉ hưu. Anh đã sống bằng nghề, gắn bó với nghiệp làm báo 35 năm ròng.


Đặc điểm đáng quý của anh là: Chịu khó đi, ghi, viết; luôn suy nghĩ tìm đề tài, chọn cách viết thích hợp; chịu khó học hỏi nghiệp vụ và luôn gắn bó với ngành, nghề.
“Ở đâu anh cũng miệt mài và lặng lẽ làm việc như những đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam, những người làm báo dũng cảm, xông xáo, luôn có mặt ở những mũi nhọn của cuộc sống nhưng cũng rất bình dị với những tin, bài nhiều khi không có bút danh riêng mà chỉ mang một danh xưng - TTXGP hoặc TTXVN” – như nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng đánh giá.


Trong cuộc đời làm báo của mình, anh đã viết hơn 2.500 tin, bài và chụp gần 1.000 bức ảnh. Trong tập sách này, anh chọn hơn 130 tin, bài và hơn 50 ảnh (phần lớn là ảnh gắn với tin, bài), phản ánh về cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.


Vì điều kiện khách quan, anh đã bỏ đi một số bài, ảnh không đưa vào sách, trong đó, có những bài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, từng được giải thưởng cao của cơ quan.


Quyển sách có 3 phần: Phóng viên chiến trường, Phóng viên thời bình và Chuyện nghề nghiệp. Trong đó, có những bài viết về Trường Sơn những năm tháng ác liệt, về chiến dịch Hồ Chí Minh… Đặc biệt, cuốn sách có nhiều bài viết về dầu khí, các hoạt động khai thác dầu khí, bảo vệ an toàn dầu khí, cuộc sống của công nhân dầu khí ở Vũng Tàu - Trung tâm dầu khí của cả nước – nơi anh sống lâu nhất và cũng có nhiều bài viết nhất. Sau cùng, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, tác giả đã rút ra một số bài học đáng quý cho những nhà báo trẻ trong các thể loại viết phóng sự chống tiêu cực; viết chuyện quản lý; chống tư tưởng “Sao nhà báo”; khi sưu tầm tài liệu, viết bài, cần “Nắm bắt cái thần” và phải tự rèn luyện nâng cao nghiệp vụ báo chí, học từ chi tiết nhỏ nhất…


Là người đầu tiên trong số phóng viên lớp GP-10 xuất bản sách nghiệp vụ báo chí, anh coi đây như một đóng góp khiêm nhường của mình và như một lời tri ân đối với bạn bè, đồng nghiệp ở TTXVN - nơi đã đào tạo và dìu dắt anh trưởng thành.



P.V