12:22 23/12/2015

Nguyễn Tiến Minh tiến sát kỳ Thế vận hội thứ ba

Có quá nhiều mỹ từ để người hâm mộ có thể sử dụng khi nói về Nguyễn Tiến Minh: "Tay vợt số 1 Việt Nam", "Tượng đài bất tử của cầu lông Việt Nam" hay "Người đem cầu lông Việt Nam ra đấu trường thế giới"...

Nguyễn Tiến Minh xứng đáng là người hùng của cầu lông và thể thao Việt Nam, khi liên tiếp mang về những chiến tích lớn nhiều năm qua. Giờ đây, tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam này đang có cơ hội làm nên lịch sử khi trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam 3 lần góp mặt ở một kỳ Thế vận hội.

Dù đang nằm ngoài top 40 trên BXH của Liên đoàn cầu lông thế giới nhưng Tiến Minh gần như chắc chắn sẽ có vé tham dự Olympic Rio 2016. Nguyên do là bởi Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) quy định mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ đứng từ thứ 1 đến thứ 16 được 2 VĐV dự Olympic, các thứ hạng sau đó chỉ được 1 VĐV.

Tiến Minh xứng đáng là tượng đài của cầu lông Việt Nam.

Trên BXH hiện tại, rất nhiều tay vợt của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Đan Mạch đang có thứ hạng trong top 40. Theo tính toán, Tiến Minh vẫn đứng số 19 trong danh sách các tay vợt dự Olympic (Thế vận hội chỉ có 34 tay vợt tham dự). Nhưng với thứ hạng hiện tại cùng với số điểm tích lũy bỏ xa nhóm các tay vợt cạnh tranh nên xem như Tiến Minh đã đoạt vé tham dự Olympic. Nhiệm vụ bây giờ của Tiến Minh là cần duy trì thứ hạng hiện tại cho đến ngày 5/5/2016 (thời điểm BWF chốt danh sách). Nếu làm được điều đó, Tiến Minh sẽ là VĐV Việt Nam đầu tiên ba lần dự Olympic.

Ở tuổi 33, phong độ không còn đỉnh cao nên hành trình bảo vệ thứ hạng của Tiến Minh trong thời gian vừa qua đầy gian nan. Mục tiêu số 1 của tay vợt kỳ cựu Việt Nam lúc này không phải là giành danh hiệu. Thay vào đó, Tiến Minh chỉ tham dự các giải đấu để tích lũy thêm điểm số để giành vé tham dự Olympic tổ chức tại Brazil vào mùa hè năm 2016. Nếu như các năm trước tay vợt này tham dự từ 18 - 20 giải quốc tế thì từ đầu năm đến nay anh mới tham gia 12 giải. Ở những năm trước, Tiến Minh luôn tham dự các giải đẳng cấp cao trong hệ thống Grand Prix, Grand Prix Gold, nay anh trở lại tranh tài các giải cấp thấp Challenger, International để tích lũy điểm nhằm đảm bảo suất tham dự Olympic. Đây cũng là những giải đấu vừa sức và khả năng ở thời điểm hiện tại của tay vợt này.

Mục tiêu lúc này của Tiến Minh là nỗ lực trở lại tốp 25 thế giới, thứ hạng sẽ giúp anh thuận lợi hơn trong bốc thăm ở Olympic 2016.

Kể từ khi đánh bại đàn anh kỳ cựu Nguyễn Phú Cường để vô địch quốc gia năm 19 tuổi đến nay, Tiến Minh "vô đối" ở đấu trường quốc nội. Thậm chí trong giai đoạn chói sáng, Tiến Minh từng là tay vợt hạng 5 thế giới. Trình độ của Tiến Minh hiện đã bỏ quá xa phần còn lại của cầu lông Việt Nam.

Theo giới chuyên môn, nếu tiếp tục duy trì phong độ và thể lực như hiện nay, Tiến Minh hoàn toàn có thể thi đấu quốc tế đến năm 35 tuổi. Tuy nhiên, tay vợt từng xếp hạng 5 thế giới thừa nhận sau Olympic Rio de Janeiro 2016, anh sẽ giải nghệ, bắt đầu một chương mới với vai trò HLV cầu lông.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, Tiến Minh đã dày công khổ luyện và là tay vợt có ý chí, đam mê cầu lông như lẽ sống cuộc đời. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng để Tiến Minh có thành công cần phải kể đến là anh may mắn có một gia đình với nền tảng tài chính khá giả nên không gặp phải câu chuyện “cơm áo gạo tiền”. Thể thao Việt Nam có rất ít những gia đình có tiềm lực tài chính như Tiến Minh, Quang Liêm hay Lý Hoàng Nam… để giúp con trai của mình theo và thành công trên con đường thể thao đã chọn mỗi năm những gia đình này đã chi ra hàng trăm nghìn USD để tham gia thi đấu và tập luyện. Những gương mặt này đều đang trở thành “hàng độc” của làng Thể thao Việt Nam.
Minh Đăng