03:23 15/03/2012

Nguyễn Thanh Phúc giành vé dự Olympic 2012: Chiến thắng của ý chí

Trở về cùng tấm HCĐ châu Á và chiếc vé dự Olympic đầu tiên cho điền kinh, Thanh Phúc được xem là người hùng của thể thao Đà Nẵng.

Trở về cùng tấm HCĐ châu Á và chiếc vé dự Olympic đầu tiên cho điền kinh, Thanh Phúc (ảnh) được xem là người hùng của thể thao Đà Nẵng. Với riêng những người dân xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, họ không bao giờ quên hình ảnh một cô bé gày gò, đen nhẻm chăm chỉ năm nào, giờ đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam.

Đi bộ 10 km về thăm mẹ

Thanh Phúc vốn sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Cái nghèo, cái khổ đã khiến mấy chị em nhà Phúc sớm phải tự thân vận động, làm đủ thứ nghề để phụ bố mẹ trước khi theo con đường thể thao. Đến giờ, người dân xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn không thể ngờ cái con bé gày gò, đen nhẻm vẫn thường đi chân đất tới trường cách nhà cả chục cây số, lại vào ĐTQG. Họ càng không thể ngờ mới 15 tuổi, Thanh Phúc đã có tấm HCV quốc gia đầu tiên, tấm HCV khiến ai cũng phải công nhận Phúc chính là viên ngọc thô đầy tiềm năng.

Cái nghiệp điền kinh đến với Phúc cũng khá tình cờ. Năm 2004, khi đại diện cho trường đi thi Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, Phúc đoạt ngay HCĐ marathon, chỉ thua 2 VĐV thuộc lớp năng khiếu. Ngay từ hồi đó, Phúc đã lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch trên tuyển. “Trông con bé gày gò, nhỏ con nhưng ý chí mãnh liệt lắm”, HLV Trần Anh Hiệp, người đầu tiên phát hiện ra tài năng và hướng cho Phúc theo nghiệp nghề đã nhận xét.

Thành công không tự dưng mà đến. Mười mấy năm trời, bất kể nắng mưa, Phúc vẫn đạp chiếc xe cà tàng đi gần 20 cây số để tới trung tâm TDTT Đà Nẵng tập môn đi bộ. “Cuộc sống mưu sinh vất vả ở quê đã tạo cho Phúc ý chí rất kiên cường, nên dù khó khăn đến mấy cũng không thể khuất phục được cô gái nhỏ nhắn này”, HLV Trần Anh Hiệp cảm động kể lại. Vốn là dân đi bộ nên chuyện đi bộ hàng chục cây số chẳng có gì sợ với Phúc. Phúc kể 2 chị em vẫn thường đón xe bus về thăm mẹ nhưng xe đỗ cách nhà tới chục cây số. Không có tiền, 2 chị em tranh thủ đi bộ tập luyện luôn, rồi lúc lên trường, cũng lại đi bộ như thế.

“Đi bộ” tới London

Môn đi bộ chẳng phải là môn dễ chơi, nếu không đã có nhiều người đi tập. Quãng đường dài 20 km, chạy đã mệt bở hơi tai nữa là đi bộ. Đã thế, trên cả quãng đường, các VĐV cũng không được phép uống nước, nên phải tự biết điều chỉnh cơ thể, nếu không đành phải bỏ cuộc chơi. Bởi thế, không ít VĐV sau khi hoàn tất quãng đường của mình thì tóe máu chân vì ma sát, ngất đi vì mệt và mất nước. Mô tả về môn đi bộ cực khổ để thấy rằng, bất cứ ai theo được cái môn này, ngoài tố chất thể lực, thể hình thì điều quan trọng nhất chính là ý chí và niềm đam mê. Thiếu một trong những thứ này, coi như chẳng bao giờ có được thành tích.

Nội dung đi bộ vốn chịu cảnh thiệt thòi so với các môn khác, ngay cả trong môn điền kinh. Người hâm mộ chỉ biết đến những Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện... chứ mấy ai biết đến Phúc. Thậm chí sau 10 năm tập luyện và thi đấu, Phúc mới được 2 lần đi thi đấu nước ngoài và đều giành thành tích vẻ vang (tại SEA Games 26 và giải đạt chuẩn tại Nhật lần này). Phúc cũng chưa một lần được thọ giáo các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu tự mày mò là chính. Điều đó, càng khiến lãnh đạo thể thao phải suy ngẫm về những thành công của Phúc ngày hôm nay.

Hàng chục năm chịu bao cảnh thiệt thòi, thành công đến với cô gái nhà nghèo giàu nghị lực hệt như một giấc mơ. Những lãnh đạo cấp cao nhất của Tổng cục TDTT đều ra tận sân bay đón Phúc. Phần thưởng nóng 20 triệu đồng cũng là món quà để niềm vui của cô thêm phần ý nghĩa.

Mừng nhưng cũng không khỏi suy ngẫm bởi bấy lâu nay, có rất nhiều VĐV tài năng như Phúc đã không được để ý tới. Thể thao Việt Nam cũng như điền kinh chỉ chăm chăm vào các nội dung “thời thượng” để cố giành tấm vé, mà quên đi mình cũng đang còn rất nhiều nhân tài. Nói một cách khác, dường như công tác dự báo thành tích của thể thao Việt Nam đang thực sự yếu kém.

“Đi bộ” tới được London, được xem là một kỳ tích, nó đánh dấu sự nỗ lực vượt bậc của Thanh Phúc cũng như đơn vị Đà Nẵng. Chỉ có điều, nếu đi bộ được quan tâm hơn nữa, có lẽ bây giờ điền kinh đã có ít nhất 2 tấm vé nhà chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng.

Anh Chi