04:23 02/04/2012

Nguyên nhân thực của cuộc chiến chống Iran

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 29/3, hai dự án đường ống dẫn dầu - một bắt đầu từ Iran, một bắt đầu từ Tuốcmênixtan - đang cạnh tranh gay gắt nhằm giành quyền cung cấp năng lượng sang Pakixtan, Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai.

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 29/3, hai dự án đường ống dẫn dầu - một bắt đầu từ Iran, một bắt đầu từ Tuốcmênixtan - đang cạnh tranh gay gắt nhằm giành quyền cung cấp năng lượng sang Pakixtan, Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai. Hiện nay, dự án đường ống dẫn dầu từ Iran đang chiếm ưu thế nhưng có thể bị tê liệt nếu Iran bị tấn công. Trong khi đó, dự án đường ống dẫn dầu từ Tuốcmênixtan là do một tập đoàn của Ixraen xây dựng và được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ.

Một cơ sở lọc dầu tại Tuốcmênixtan. Ảnh: Internet


Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố công khai: "Với tư cách là Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, tôi thích hòa bình hơn chiến tranh. Tuy nhiên, an ninh của Ixraen là bất khả xâm phạm và để ngăn Iran có vũ khí hạt nhân, tôi sẽ không do dự sử dụng vũ lực, kể cả toàn bộ các thành phần của sức mạnh Mỹ". Vũ khí hạt nhân của Mỹ và việc sử dụng vũ khí hạt nhân để chặn trước là một phần trong các phương án lựa chọn của Mỹ.

Dẫn đầu cuộc chiến chống Iran là Ixraen, quốc gia duy nhất trong khu vực sở hữu một kho vũ khí hạt nhân. Không giống Iran, Ixraen vẫn từ chối ký Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trong khi đó, Mỹ - cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới - với những lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược ngầm, sẽ không cho phép Iran thoát khỏi tầm ảnh hưởng của họ trong bất kỳ tình huống nào.

Không phải ngẫu nhiên khi các lệnh trừng phạt được Tổng thống Obama công bố vào tháng 11/2011, theo đó cấm cung cấp thiết bị và công nghệ "có thể giúp tăng cường khả năng khai thác các nguồn dầu mỏ của Iran". Lệnh cấm vận Iran đang được Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản hưởng ứng. EU và Nhật Bản hiện cùng mua khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Lệnh cấm vận này là một thành công của bà Clinton, người đã thuyết phục được các đồng minh của Mỹ dừng nhập khẩu năng lượng từ Iran, mặc dù điều này ảnh hưởng đến các lợi ích của chính EU và Nhật Bản - quốc gia đang cần tăng cường nhập khẩu năng lượng sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bất chấp lệnh cấm của Oasinhtơn, ngày 1/3, Pakixtan xác nhận sẽ hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Iran-Pakixtan. Với độ dài hơn 2.000 km, phần đường ống phía Iran sắp hoàn thành, phần đường ống phía Pakixtan dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Trong giai đoạn mở rộng, tuyến đường ống này có thể kéo dài thêm 600 km tới Ấn Độ. Trong khi đó, Nga đã tỏ ra quan tâm đến việc tham gia dự án có chi phí dự kiến khoảng 1,2 tỷ USD này. Trung Quốc, quốc gia hiện nhập khẩu 20% lượng dầu mỏ của nước này từ Iran, cũng đã ký một thỏa thuận với Têhêran hồi tháng 2/2012, tăng lượng dầu nhập khẩu lên 500.000 thùng/ngày trong năm 2012. Pakixtan cũng dự kiến tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.

Ngoại trưởng Clinton đang tăng cường sức ép đối với Ixlamabát, sử dụng cả "cây gậy" lẫn "củ cà rốt", một mặt đe dọa trừng phạt, mặt khác đề nghị hỗ trợ 1 tỷ USD để giúp Pakixtan mua năng lượng. Đổi lại, Pakixtan phải từ bỏ dự án đường ống dẫn dầu với Iran và phụ thuộc hoàn toàn vào đường ống Tuốcmênixtan-Ápganixtan-Pakixtan-Ấn Độ, vốn được Oasinhtơn ủng hộ. Chi phí xây dựng đường ống này ước tính lên tới 8 tỷ USD, gấp đôi dự toán ban đầu.

Tại Oasinhtơn, động cơ chiến lược đang chiếm ưu thế. Các vỉa khí đốt tự nhiên tại Tuốcmênixtan chủ yếu thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Merhav (Ixraen), do điệp viên Mossad Yosef Maiman - một trong những nhân vật quyền lực nhất Ixraen - đứng đầu. Hiện nay, việc xây dựng tuyến đường ống này - trong đó có đoạn ống tại Ápganixtan đi qua các tỉnh Herat và Kandahar - đang chậm tiến độ hơn so với kế hoạch. Nếu mọi việc diễn ra bình thường, tuyến đường ống Iran-Pakixtan có thể sẽ được hoàn thành trước. Tuy nhiên, các "quân bài" có thể bị cuộc chiến chống lại Iran "xáo lại", mặc dù ông Obama "thích hòa bình hơn chiến tranh".

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)