03:19 23/03/2020

Nguyên nhân số ca tử vong vì COVID-19 tại Italy cao hơn ở Đức

Cho đến nay, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Đức thấp hơn nhiều quốc gia khác có số ca nhiễm tương tự. Tính đến ngày 23/3, quốc gia này ghi nhận trên 26.000 trường hợp người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhưng chỉ có 111 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhiều tấm biển tuyên truyền phòng chống COVID-19 được đặt trên khắp đường phố thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: Sky News

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), việc sở hữu hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu thế giới, biện pháp xét nghiệm nhanh và rộng rãi là một trong những nguyên nhân chính khiến số người tử vong tại Đức ít hơn các nước lân cận.

Các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế đã đặt ra câu hỏi về tỷ lệ tử vong của quốc gia châu Âu này. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ chiếm gần 0,4% so với 9% tại Italy, quốc gia có 5.476 trường hợp tử vong và 59.138 người nhiễm virus.

Các chuyên gia y tế tại Đức cho biết quốc gia này có lợi thế hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng được tài trợ tốt, có thể giảm tỷ lệ tử vong ở quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu.

“Chúng tôi đã nhanh chóng xác định được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh khi virus chỉ mới bắt đầu bùng phát ở châu Âu. Đức luôn đi đầu trong việc chẩn đoán, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguyên nhân chủ yếu cũng là do các phòng thí nghiệm được thiết lâp rộng rãi trên khắp đất nước đều có khả năng xét nghiệm virus. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã có một khởi đầu tốt hơn so với các quốc gia khác”, ông Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học tại Bệnh viện Charite Berlin, nói.

Ông Drosten cũng cho biết thêm mạng lưới phòng thí nghiệm độc lập dày đặc được thiết lập trên khắp đất nước đã bắt đầu xét nghiệm số lượng lớn bệnh nhân từ tháng 1, khi nước này chỉ có 1 vài trường hợp nhiễm bệnh.

Quốc gia châu Âu này cũng có thể phân phối mẫu xét nghiệm cho các phòng thí nghiệm và các bác sĩ trên khắp đất nước giúp họ chẩn đoán người nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách nhanh và chính xác nhất. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm độc quyền ở quốc gia khác đều phải mất tới ít nhất 1 tháng hoặc nhiều thời gian hơn mới có kết quả.

Chú thích ảnh
Trung tâm xét nghiệm mới được bổ sung tại quận Prenzlauer Berg, thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: AP

Là một trong những quốc gia giàu có, Đức cũng sở hữu một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng được đầu tư lớn và dày đặc nhất thế giới. Hệ thống này cung cấp quỹ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn cầu và bảo đảm việc làm ở mức cao đáng kể cho người lao động, những người thường xuyên mắc bệnh trung bình 17 lần mỗi năm mà không phải lo lắng về tình trạng mất việc làm.

“Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi có lẽ là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh này đang chứng minh cho chúng ta thấy sự sống của con người mong manh thế nào và phải phụ thuộc vào người khác ra sao”, Thủ tướng Angela Merkel nói trong một bài phát biểu trước truyền thông.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tự cách ly. Ảnh: EPA

Cùng với đó, có lẽ lợi thế quan trọng nhất khi đối mặt với sự bùng phát virus SARS-CoV-2 của Đức chính là quốc gia này sở hữu số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt nhiều nhất tính theo đầu người tại châu Âu, với 29 giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho 100.000 người. Trong khi đó, Italy chỉ có 13 giường bệnh đặc biệt cho 100.000 người,  Pháp có 12, Tây Ban Nha có 10 và Anh chỉ có 7 giường bệnh/100.000 người.

“Chúng tôi đã đưa ra một số cảnh báo trước để có thể chuẩn bị tốt hơn. Trên khắp đất nước, các bệnh viện đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng. Tuy nhiên, ngay cả một hệ thống y tế tốt cũng có thể nhanh chóng bị quá tải nếu có quá nhiều người bị bệnh cùng lúc. Chúng tôi có nhiều giường bệnh chăm sóc đặc biệt hơn ở Italy và rất nhiều quốc gia khác. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng sẽ có đủ giường bệnh và sẽ không có nhiều người bị nhiêm virus cùng một lúc”, bác sĩ Christoph Specht, chuyên gia y tế hàng đầu của Đức, cho biết.

Đức đã được cảnh báo sớm từ tháng 2 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan ở Italy. Điều này khiến các nhà chức trách bắt đầu đẩy nhanh việc xét nghiệm và đẩy mạnh các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan như giới hạn khoảng cách, cấm các cuộc tụ họp đông người đều được người dân thực hiện nghiêm túc trên khắp nước Đức.

Chú thích ảnh
Đài phun nước The Nymph ở Bad Wildungen. Ảnh: EPA

Ngoài ra, các trung tâm y tế công cộng cũng được giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc và quy định vệ sinh, chăm sóc sức khỏe.

“Chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm nhanh hơn so với các quốc gia khác như Italy, quốc gia không thực hiện biện pháp này. Làm thế nào chúng ta có thể phát hiện ra các trường hợp nhiễm virus một cách nhanh chóng? Điều đó đã cho chúng tôi một cái nhìn tổng quan tương đối tốt ở giai đoạn đầu của dịch bệnh và rất quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp kiểm dịch  chặt chẽ”, bác sĩ Karl Lauterbach, nói.

Bên cạnh đó, cho đến nay, Đức vẫn chưa ghi nhận người cao tuổi nào nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là đối tượng được xác định dễ có nguy cơ mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Italy – với khoảng 60% người nhiễm bệnh đều từ 60 tuổi trở lên và hơn 80% các ca tử vong đều ở người lớn tuổi. Các chuyên gia cho rằng người cao tuổi tại Đức có nhiều kinh nghiệm phòng chống các loại dịch bệnh khi trải qua Chiến tranh Thế giới thứ hai. Họ biết cách làm thế nào để giữ sức khỏe và ngăn ngừa dịch bệnh.

“Những người lớn tuổi biết làm thế nào để sống được khi bên cạnh không có gì. Họ có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa và tránh xa dịch bệnh”, Martin Floeter, một thợ điện 55 tuổi sống tại Berlin, đang chăm sóc cha mẹ già của mình, cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức