05:06 27/05/2016

Nguyên nhân phe cánh hữu Áo trỗi dậy

Mặc dù ứng cử viên Norbert Hofer của đảng Tự do (FPO) cực hữu đã bị đánh bại (kém hơn một ít phiếu) trong cuộc bầu cử tổng thống tại Áo hôm 23/5, song bất ổn kinh tế và dòng người tị nạn đang làm thay đổi chính trường châu Âu và trở thành động lực chính đằng sau sự trỗi dậy của phe cánh hữu trong khu vực.

Với việc FPO chỉ thua với khoảng cách sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống, kết quả này cho thấy rạn nứt ở Áo và sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có dành cho đảng cánh hữu này - lực lượng khiến một số người lo sợ rằng họ sẽ gây tiếng vang hơn nữa ở châu Âu.

Sự chuyển hướng sang phe cánh hữu cho thấy sự thay đổi trong bản đồ chính trị châu Âu những năm gần đây. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ở các nước châu Âu đã khiến nhiều người Áo vô cùng thất vọng. Nhiều người đã mất kiên nhẫn với chính phủ. Giới trẻ Áo cho rằng liên minh cầm quyền đã không thực hiện bất kỳ cải cách nào, và không điều gì được thay đổi. Kể từ mùa hè năm 2015, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu cho thấy năng lực yếu kém và thiếu khả năng phối hợp giữa các nước EU, khiến người dân ngày càng lo ngại về tình hình an ninh dưới chính sách biên giới mở của EU.

Ông Norbert Hofer phát biểu trước những người ủng hộ trong cuộc bầu cử Áo tại Vienna ngày 22/5.

Cựu Phó Thủ tướng Áo Michael Spindelegger cho rằng điều cần thực hiện ở Áo là “vực dậy và đưa nền kinh tế vận hành trở lại”, đồng thời nhấn mạnh nếu nền kinh tế được phục hồi, khi đó sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm và người dân sẽ thỏa mãn hơn. Ông tin rằng sự trỗi dậy của phe cánh hữu phần nhiều liên quan đến dòng người tị nạn đổ về Áo năm 2015.

Cả hai vấn đề gồm kinh tế yếu kém và cuộc khủng hoảng di cư đều khiến nhiều người châu Âu nghi ngờ hơn về giải pháp chung của EU, song điều thiếu sót là các giải pháp của mỗi quốc gia cho vấn đề hóc búa này. Tất cả những vấn đề này đặt ra câu hỏi về quan hệ giữa các nước thành viên và toàn khối EU nói chung. Câu hỏi mà người dân các nước châu Âu đặt ra đó là liệu họ có nên tách ra hay cấu thành một EU hùng mạnh hơn.

Bởi không ai tìm ra câu trả lời cho các vấn đề hóc búa mà nước Áo đang đối mặt, nên các cử tri thay vì ủng hộ liên minh cầm quyền chuyển sang ủng hộ đảng cánh hữu hoài nghi hội nhập châu Âu để tìm kiếm những thay đổi có thể cho tình hình hiện nay.

Trong bối cảnh đó, FPO thể hiện họ là một đảng phái của tất cả mọi người. Họ chủ yếu nhắm tới các cử tri từng ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPO) thuộc tầng lớp lao động. Có tới 74% trong số công nhân này bỏ phiếu cho ông Hofer trong vòng bầu cử tổng thống đầu tiên.

Trong liên minh vốn bị chi phối bởi các đảng lớn ở Áo, FPO đã đứng ở bên lề bản đồ chính trị Áo trong một thời gian dài, song dường như đảng này đã trở thành một “ngôi sao đang lên” trong những năm gần đây. Gần một nửa người dân Áo tham gia bầu cử tổng thống đã bỏ phiếu cho ông Hofer, một điểm nhấn quan trọng của FPO.

Ở bên ngoài nước Áo, các đảng cánh hữu dân túy đang phát triển mạnh mẽ trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, trong lịch sử các cuộc bầu cử ở Áo, FPO có truyền thống lâu dài hơn. Sự trỗi dậy của họ bắt đầu với việc chính trị gia đầy sức ảnh hưởng Jorg Haider lên lãnh đạo đảng năm 1986. Ông Haider đã biến đảng vốn theo quan điểm tự do này thành phong trào dân túy cánh hữu.

FPO có thể giành được vị trí “độc nhất vô nhị” trên chính trường Áo với quan điểm chỉ trích EU. Cuộc khủng hoảng tài chính, các vấn đề với Hy Lạp và cuộc khủng hoảng người di cư đã cho thấy những hạn chế của EU, điều mà FPO đã và sẽ tiếp tục sử dụng để có lợi cho họ.

TTK