12:12 06/12/2017

Nguyên nhân khiến việc tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel gây tranh cãi

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel đang gây xôn xao khắp thế giới. Vậy nguyên nhân nào khiến động thái này lại có tác động mạnh như vậy?

Kênh CNN (Mỹ) đánh giá động thái tuyên bố trên có thể hỗ trợ Tổng thống Trump đến gần hơn với mục tiêu chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Đây là điều từ lâu Israel đã mong đợi nhưng cũng là “cơn đau đầu” với các ông chủ Nhà Trắng trước đây bắt nguồn từ lo ngại liên quan tới bất hòa giữa Israel và Palestine. Cả hai phía đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình.

Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Viễn cảnh Tổng thống Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này được đánh giá có thể là dấu chấm hết cho nỗ lực đạt được hòa bình giữa Irael và Palestine.

Lịch sử nhiều biến động

Kế hoạch phân chia của Liên hợp quốc soạn thảo năm 1947 đã coi Jerusalem là thành phố quốc tế. Nhưng cuộc chiến theo sau việc Israel tuyên bố độc lập một năm sau đó đã khiến Jerusalem bị chia rẽ.

Khi cuộc đối đầu kết thúc vào năm 1949, một đường biên giới từ sự kiện đình chiến đã chia Jerusalem làm hai nửa, phần phía Tây do Israel kiểm soát trong khi Jordan quản lý phần phía Đông. Đến cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel chiếm Đông Jerusalem. Từ đó đến nay toàn bộ thành phố nằm dưới kiểm soát của Israel. Trong khi đó, Palestine và nhiều cộng đồng quốc tế tiếp tục coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Trong 850.000 cư dân sinh sống tại Jerusalem có 37% người Arập và 61% người Do Thái, 1% khác là người Arập theo Cơ đốc giáo. Phần lớn dân số Palestine sống tại Đông Jerusalem. Mặc dù một số khu vực tại Jerusalem có cộng đồng người Israel và Arập chung sống nhưng phần lớn các địa điểm tại đây đều bị chia rẽ theo nhóm người.

Trước năm 1980, một số quốc gia như Hà Lan và Costal Rica có đặt đại sứ quán tại Jerusalem. Nhưng đến tháng 7/1980, Israel ban hành luật tuyên bố Jerusalem là thủ đô của đất nước này dẫn đến phản ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công bố nghị quyết lên án việc Tel Aviv sáp nhập Đông Jerusalem và coi đây là động thái vi phạm luật quốc tế.

Vào năm 2006, Costa Rica và El Salvador là những quốc gia cuối cùng di dời đại sứ quán khỏi Jerusalem đồng nghĩa với việc tất cả các quốc gia có đại sứ quán ở Israel đều nằm tại Tel Aviv. Theo CNN, Mỹ chưa từng đặt đại sứ quán của nước này tại Jerusalem.

Mỹ lưỡng lự

Năm 1989, Israel cho Mỹ thuê một mảnh đất tại Jerusalem để đặt đại sứ quán với hợp đồng kéo dài 99 năm kèm chi phí thuê là… 1 USD/năm. Đến nay, khu vực cho thuê này vẫn là mảnh đất trống không chưa được “động chạm”.

Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua luật yêu cầu chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Từ đó đến nay, qua các đời Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, yêu cầu này luôn bị từ chối vì lý do lợi ích an ninh quốc gia. Cứ 6 tháng một lần, ông chủ Nhà Trắng lại sử dụng quyền khước từ của Tổng thống để tránh việc phải di dời đại sứ quán.

Phía Palestine luôn coi việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem là vi phạm luật pháp quốc tế. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà Vua Jordan Abdullah giúp đỡ kêu gọi ông Trump thay đổi ý định.

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cảnh báo nếu động thái chuyển đại sứ quán của Mỹ diễn ra thì mọi thỏa thuận giữa Israel và Palestine sẽ bị xóa bỏ.

Hà Linh/Báo Tin tức