10:01 17/10/2012

Nguyên nhân giá vàng bấp bênh

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua, giá vàng trong nước đã lên xuống thất thường không chỉ do tác động của giá vàng thế giới mà còn chịu sức ép do nguồn cung trong nước hạn hẹp, thanh khoản thấp và một số bất cập từ cơ chế điều hành của Nhà nước.

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua, giá vàng trong nước đã lên xuống thất thường không chỉ do tác động của giá vàng thế giới mà còn chịu sức ép do nguồn cung trong nước hạn hẹp, thanh khoản thấp và một số bất cập từ cơ chế điều hành của Nhà nước.

 

Sẽ khó khăn về thanh khoản?


Suốt thời gian dài, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng, thậm chí trung tuần tháng 9/2012, chênh lệch lên tới gần 4 triệu đồng/lượng. Đến ngày 16/10, giá vàng đã quay đầu giảm, giao dịch ở mức 46,45- 46,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) nhưng vẫn đắt hơn giá quốc tế gần 3 triệu đồng/lượng.


 

Mua bán vàng tại Công ty vàng Agribank - Chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Trao đổi với phóng viên Tin tức chiều 15/10, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại cho biết: Có thời điểm, mức chênh hơn 3 triệu đồng/lượng giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là rất cao. Bởi theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng trở xuống mới là hợp lý.


Theo ông Phương, giá vàng biến động như trên là do sự bất cập trong điều hành của Nhà nước, cụ thể là Thông tư 12/2012 của NHNN về việc sửa đổi, bổ sung quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD) kể từ ngày 25/11 tới đây. Tuy nhiên đến nay, thị trường lại chưa có thông tin chính sách cụ thể sẽ xử lý những vấn đề liên quan tới vàng sau ngày 25/11 như thế nào? Có ý kiến cho rằng: Thông tư này đã gây thêm áp lực lớn lên thị trường vàng, nhất là khi giá vàng thế giới tăng mạnh, tạo nên “cơn sốt” giá vàng mới do người dân đổ xô đi mua vàng. Cầu tăng, cung lại giảm khiến vàng trong nước bị khan hiếm ảo.


Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước đây, rất nhiều nhà đầu tư đã vay vốn bằng vàng để đầu tư và kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, khi giá vàng ở mức thấp, không ít khách vay vốn bằng vàng kỳ hạn dài nhằm hưởng lãi suất thấp bán lấy tiền đồng để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nhưng khi giá vàng tăng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều khách hàng đã không thể trả dứt điểm những khoản nợ vay vốn vàng. Một số ngân hàng đề xuất hoán đổi sang tiền đồng nhưng dù vậy, người vay vẫn khó trả được nợ khi giá vàng vẫn ở mức cao.


Ông Thành cho rằng: Tình hình trên đã đẩy một số ngân hàng thương mại (NHTM) trước đây có thế mạnh ở mảng huy động và cho vay vàng vào thế khó tất toán dư nợ vàng. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay vốn bằng vàng của các NHTM chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo đó, nếu chấm dứt huy động vàng ngay thời điểm này sẽ khiến một số ngân hàng khó khăn về thanh khoản vàng...


Trước diễn biến của thị trường vàng trong nước, một cán bộ của NHNN nói: "NHNN đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng". Cụ thể, NHNN ban hành quy định cho phép TCTD gặp khó khăn về thanh khoản vàng được vay vốn bằng vàng. Và chỉ một thời gian ngắn nữa, khi các NHTM cân đối đủ thì giá vàng sẽ xuống và NHNN cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có. Vì lẽ, sau khi NHNN giải quyết xong vấn đề huy động - cho vay vàng, thì giá vàng sẽ không còn quá nóng như hiện nay.

 

Bất cập độc quyền vàng miếng


Theo TS. Phạm Đỗ Chí - cựu chuyên gia kinh tế tài chính Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kể từ khi Nghị định 24 về kinh doanh vàng miếng của Chính phủ đi vào thực thi, các thương hiệu vàng phi SJC phải rời khỏi “cuộc chơi”, nhường sân cho thương hiệu vàng SJC độc quyền trên sân nhà.


TS. Nguyễn Đại Lai - chuyên viên NHNN cho biết: Gọi là “khan hiếm ảo” vì vàng trong nước không thiếu, mà thiếu là thiếu vàng thương hiệu SJC. Bởi để gia công vàng móp méo, vàng phi SJC sang thương hiệu SJC phải trải qua nhiều công đoạn, từ xin giấy phép đến kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm bao bì, chất lượng... Thời gian chuyển hóa sang SJC lâu, cộng thêm giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước tăng mạnh trong thời gian qua.


Thực tế cho thấy, số vàng miếng mà Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) gia công lại sau khi được tung ra thị trường vẫn không thể bình ổn được giá vàng. Giá vàng thậm chí còn tiến đến gần mốc 48 triệu đồng/lượng. Trước tình hình trên, đầu tháng 10/2012, NHNN đã cho phép SJC tiếp tục nhận gia công 4.000 lượng vàng miếng SJC móp méo. Do đó, từ ngày 11 - 20/10, Công ty SJC bắt đầu đổi vàng SJC móp méo cho dân với mức phí 50.000 đồng/lượng. Ngày đầu tiên đã có khoảng 1.800 lượng vàng được đổi. Đại diện Công ty SJC nhận định, với số lượng khách đông thế này, có thể chưa đến ngày 20/10 đã hết 4.000 lượng vàng.


Đứng ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam đã chỉ ra những bất hợp lý của thị trường vàng Việt Nam: Người dân đi mua vàng SJC, nhưng khi đi bán hoặc đổi do cong, vênh (mặc dù vẫn là chính miếng vàng SJC đó), thì lại bị mất phí! Đó là chưa kể, đã là vàng, dù thương hiệu nào thì cũng chỉ là 9999 hay 999, nhưng chính do sự "độc quyền" mà thương hiệu SJC hiện đang bỏ xa các loại vàng thương hiệu khác hàng triệu đồng.


Minh Phương - Hải Yên