01:20 10/01/2022

Nguyên nhân COVID-19 'lảng tránh' một số người

Kết quả nghiên cứu công bố ngày 10/1 tại Anh cho thấy những người có số lượng tế bào T tăng sau khi nhiễm các chủng virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường ít có khả năng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cùng họ nhưng gây bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Phát hiện công bố trên tạp chí Nature Communications được cho là bằng chứng đầu tiên cho thấy vai trò bảo vệ của tế bào T chống lại virus SARS-CoV-2.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London đã dành thời gian theo dõi số lượng tế bào T ở thời điểm phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến tình trạng lây nhiễm. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng các tế bào T được kích hoạt để phản ứng với các chủng virus corona khác có thể nhận diện virus SARS-CoV-2. 

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện của họ có thể mở đường cho việc phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai có khả năng chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện nay và trong tương lai, trong đó có cả biến thể Omicron. 

Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Ajit Lalvani - Giám đốc Viện nghiên cứu Sức khỏe đường hô hấp quốc gia (NIHR) của Anh, cho biết các tế bào T cung cấp sự bảo vệ bằng cách tấn công các protein trong virus SARS-CoV-2 chứ không phải các protein gai ở bên ngoài bề mặt virus. Theo ông, các protein gai đang phải chống chọi với phản ứng miễn dịch mạnh mẽ do các loại vaccine ngừa COVID-19 tạo ra, dẫn đến virus tiến hóa và có khả năng "né tránh" sự bảo vệ của vaccine. Ngược lại, các protein bên trong virus - mục tiêu tấn công của các tế bào T, được xác định là có ít đột biến hơn. Do đó, ông cho rằng các loại vaccine thế hệ mới nếu bao gồm các protein bên trong virus sẽ kích hoạt các phản ứng tế bào T bảo vệ chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. 

Nghiên cứu trên được tiến hành vào tháng 9/2020 khi hầu hết người dân Anh chưa bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tham gia nghiên cứu có 52 tình nguyện viên sống cùng nhà với người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2. Các tình nguyện viên thực hiện xét nghiệm PCR khi bắt đầu nghiên cứu và trong 4 và 7 ngày sau đó. Mẫu máu của họ được lấy trong vòng 1-6 ngày kể từ khi họ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi số lượng tế bào T được kích hoạt trước đó do nhiễm các chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường, vốn có thể nhận dạng chéo các protein của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý một số hạn chế do nghiên cứu được thực hiện với quy mô nhỏ và 88% số người tham gia là người gốc châu Âu.

Phan An (TTXVN)