10:10 06/10/2010

Nguyên nhân chính gây căng thẳng Mỹ-Pakixtan

Mạng phân tích thông tin chiến lược Stratfor của Mỹ cho biết, Pakixtan đã đóng cửa con đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng của Mỹ và NATO tại Ápganixtan...

Mạng phân tích thông tin chiến lược Stratfor của Mỹ cho biết, Pakixtan đã đóng cửa con đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng của Mỹ và NATO tại Ápganixtan, sau khi máy bay trực thăng của NATO truy đuổi các phiến quân vượt biên giới, khiến 3 nhân viên an ninh của Pakixtan bị thiệt mạng.

Một tuần trước khi Pakixtan có động thái trên, lực lượng liên quân đã bốn lần vượt qua biên giới vào lãnh thổ Pakixtan để truy đuổi các phần tử vũ trang. Stratfor cho rằng các vụ đưa quân vượt qua biên giới vào Pakixtan tăng lên gần đây thể hiện chiến lược của Mỹ nhằm áp đặt một cách hành xử mới, do việc sử dụng máy bay không người lái để tấn công ở Pakixtan đã thành công. Tuy nhiên, đối với Pakixtan, dù đã bỏ qua các vụ tấn công do máy bay không người lái thực hiện, nhưng việc các lực lượng nước ngoài công khai vượt qua biên giới là điều "không thể chấp nhận được". Vào thời điểm Ixlamabát đang rất phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Oasinhtơn, việc đóng cửa con đường tiếp tế này cho thấy Pakixtan không còn sự lựa chọn nào khác.

Giới quan sát nhận định mặc dù đây là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Pakixtan kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Ápganixtan, song dường như hai bên đã đạt được một "nhất trí chung" khi Oasinhtơn đồng ý không để các lực lượng NATO tiếp tục vượt qua biên giới. Họ cho rằng những căng thẳng này xảy ra do Mỹ đang cố gắng giải quyết hai vấn đề khác nhau nhưng mâu thuẫn nhau. Một mặt, Oasinhtơn cố gắng ổn định tình hình Ápganixtan để rút quân đội khỏi nước này càng sớm càng tốt. Mặt khác, Oasinhtơn cũng cố gắng đấu tranh với các phần tử Hồi giáo cực đoan quốc tế có quan hệ với al-Qaeda.

Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào quan hệ hợp tác chặt chẽ của Pakixtan để có thể đạt được mục tiêu thứ nhất. Oasinhtơn cần sự trợ giúp của Ixlamabát trong nỗ lực kiềm chế sự nổi lên của các phần tử Taliban. Quan trọng hơn, sự trợ giúp của Pakixtan là cần thiết để có thể đạt được một thỏa thuận trên cơ sở đàm phán với Taliban ở Ápganixtan, tạo cơ sở cho việc rút quân của phương Tây khỏi Ápganixtan. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu thứ hai, Oasinhtơn cần phải tấn công các phần tử Hồi giáo cực đoan đang trú ẩn an toàn tại khu vực biên giới tây bắc Pakixtan vì từ khu vực này, các phần tử Hồi giáo cực đoan không chỉ tấn công lực lượng liên quân ở miền đông Ápganixtan, mà chúng còn lên kế hoạch cho các vụ tấn công ở châu Âu và Bắc Mỹ và đây thực sự là một khó khăn của Mỹ.

Tại khu vực biên giới, Pakixtan bị hạn chế vì nước này cũng có cuộc chiến chống các phần tử Taliban ở Pakixtan, đồng thời phải tránh gây mâu thuẫn với các phần tử Taliban đang tập trung chống phá Ápganixtan, không chống phá Pakixtan.

Thực tế, Mỹ đã thấy việc gây sức ép để Pakixtan "hành động hơn nữa" trong việc chống lại các phần tử vũ trang Hồi giáo trên đất Pakixtan có tác dụng hạn chế. Các phương án hành động một mình của Mỹ cũng bị hạn chế vì bất cứ phương án nào, ngoài việc sử dụng máy bay không người lái, đều dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Pakixtan. Vấn đề mấu chốt là Mỹ không đủ sức để "không cần" Pakixtan hoặc chấp nhận tình hình tiếp tục xấu thêm ở đất nước Ápganixtan vốn đã bất ổn. Ngược lại, đối với Mỹ, để được xem là thành công ở Ápganixtan, Mỹ cần phải ổn định Pakixtan và có sự hợp tác của Ixlamabát để có thể rút các lực lượng của mình. Do đó, chính quyền Obama cần phải tìm cách để cân bằng giữa mục tiêu rút quân khỏi Ápganixtan với sự cần thiết phải đấu tranh với các phần tử thánh chiến quốc tế tại Pakixtan.