04:16 13/04/2022

Nguyên nhân Airbus kêu gọi châu Âu không trừng phạt titan của Nga

Lĩnh vực hàng không không phải là ngành duy nhất đang vật lộn với ảnh hưởng từ hàng hóa của Nga.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga-Ukraine không chỉ tác động lớn đến lĩnh vực năng lượng mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không của phương Tây. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters ngày 13/4, hãng sản xuất máy bay Airbus (AIR.PA) đã kêu gọi châu Âu không chặn nhập khẩu titan từ Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt đối với kim loại chiến lược này sẽ gây thiệt hại cho hàng không vũ trụ, trong khi hầu như không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.

Phát biểu tại một cuộc họp cổ đông thường niên, Giám đốc điều hành của Airbus, ông Guillaume Faury cho biết, việc phương Tây mở rộng hành động trừng phạt Nga đối với titan, được sử dụng trong máy bay và động cơ phản lực, sẽ "không phù hợp". 

"Airbus đang áp dụng và sẽ tiếp tục áp dụng đầy đủ các biện pháp trừng phạt. Nhưng biện pháp trừng phạt đối với titan của Nga hầu như không gây hại cho Nga, vì chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu xuất khẩu của Moskva. Tuy nhiên, chúng sẽ gây thiệt hại lớn cho toàn bộ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trên toàn châu Âu", một người phát ngôn của Airbus nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các chính phủ phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với Nga.

Đầu tuần này, EU lưu ý các biện pháp trừng phạt bổ sung vẫn là một lựa chọn và Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các đồng minh phương Tây sẽ tiếp tục tăng cường áp lực với Moskva.

Nga là nhà sản xuất titan hàng đầu thế giới. Đây là một kim loại chiến lược được đánh giá cao về độ bền so với trọng lượng của nó. Cho đến nay, EU đã tránh trừng phạt các mặt hàng của Nga ngoài thép và than đá, và titan vẫn được miễn trừ khỏi các hạn chế thương mại với Nga.

Theo ông Faury, Airbus đang đẩy nhanh việc tìm kiếm các nguồn cung ngoài Nga trong dài hạn, trong khi nhu cầu của họ được đáp ứng trong ngắn hạn và trung hạn.

Vào tháng 3, Airbus cho biết họ "đang trực tiếp tìm kiếm titan từ Nga cũng như từ các nước khác" và gián tiếp mua titan của Nga thông qua các nhà cung cấp.

Hôm 12/4, họ đã khẳng định lại điều này với Reuters nhưng từ chối cho biết lần gần đây nhất họ nhận được titan của Nga là khi nào.

Airbus cho biết họ phụ thuộc vào Nga để đáp ứng một nửa nhu cầu titan, trong khi VSMPO- AVISMA (VSMO.MM), nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới do nhà nước Nga hậu thuẫn đã cung cấp một phần ba nhu cầu của Boeing theo một thỏa thuận được gia hạn vào tháng 11 năm ngoái. Tháng trước, Boeing cho biết họ đã ngừng mua titan của Nga.

VSMPO-AVISMA do tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec sở hữu 25%, chiếm 3/4 doanh số bán hàng cho lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Hàng không vũ trụ không phải là ngành duy nhất vật lộn với ảnh hưởng hàng hóa của Nga. Hồi tháng 3, ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ cũng đã vận động Nhà Trắng cho phép tiếp tục nhập khẩu urani từ Nga bất chấp xung đột leo thang ở Ukraine, với nguồn cung cấp nhiên liệu rẻ được coi là chìa khóa để giữ giá điện của Mỹ ở mức thấp.

Theo Mỹ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Mỹ phụ thuộc vào Nga và các nước Kazakhstan và Uzbekistan để cung cấp khoảng một nửa lượng urani cung cấp năng lượng cho các nhà máy hạt nhân của họ - khoảng 22,8 triệu pound (10,3 triệu kg) vào năm 2020 - do đó sản xuất khoảng 20% lượng ​​điện của Mỹ.

Viện Năng lượng Quốc gia (NEI), một nhóm thương mại của các công ty sản xuất điện hạt nhân của Mỹ như Duke Energy Corp (DUK.N) và Exelon Corp (EXC.O), đã vận động Nhà Trắng giữ nguyên miễn trừ đối với nhập khẩu urani từ Nga. 

Công Thuận/Báo Tin tức