09:09 26/09/2012

Nguyễn Ngọc Tiến: Lãng tử đi 'dọc, ngang Hà Nội

Hình như những cuốn sách của anh đều liên quan đến chuyện “đi”, từ đi “quanh” đến đi “ngang, dọc” Hà Nội, nơi anh sinh ra và lớn lên, làm việc và trưởng thành, cũng là nơi ghi dấu cuộc đời không mấy suôn sẻ của mình mà dù đi đâu, chơi đâu, làm đâu anh cũng luôn hướng về nó...

Nguyễn Ngọc Tiến (ảnh) đang ở độ tuổi chín nhất để có thể viết báo, viết sách. Cách đây ba năm, anh ra mắt bạn đọc cuốn “5.678 bước chân quanh Hồ Gươm”, và trong năm nay, anh tiếp tục trình làng hai cuốn sách với tên gọi đầy ấn tượng “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội” (hai cuốn sách này vừa mang lại cho anh Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội). Hình như những cuốn sách của anh đều liên quan đến chuyện “đi”, từ đi “quanh” đến đi “ngang, dọc” Hà Nội, nơi anh sinh ra và lớn lên, làm việc và trưởng thành, cũng là nơi ghi dấu cuộc đời không mấy suôn sẻ của mình mà dù đi đâu, chơi đâu, làm đâu anh cũng luôn hướng về nó với nỗi nhớ không gọi thành tên.



Nguyễn Ngọc Tiến quê ở vùng ven nội thành, sinh ra trong một gia đình không ai viết văn, viết báo. Anh đến với nghề báo vì thích sự tự do còn viết sách thì do bức bối về những điều xung quanh, trải nghiệm của bản thân và có nhiều chuyện chưa ai chạm tới. Vì thế rất nhiều đề tài của hai cuốn sách đều là những đề tài “ít đụng hàng hoặc không đụng hàng”. Nguyễn Ngọc Tiến cũng khẳng định chắc chắn rằng, viết với anh là để thỏa mãn bản thân rồi mới đến chia sẻ, không phải viết để nổi tiếng, văn không nuôi được mình.


Nguyễn Ngọc Tiến tự nhận mình không phải là người tài giỏi mà chỉ là người chịu khó và ham học hỏi, đôi khi cũng liều lĩnh chọc bút vào cả sân khấu và điện ảnh. Kịch bản “Live show cho người nổi tiếng” của anh đã được đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng năm 2005 và diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP Hồ Chí Minh). Anh cũng là tác giả của kịch bản phim tài liệu “Không chỉ là kỷ vật”(đạo diễn Cao Mạnh - Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010), nói về những thứ từng là vũ khi giết người trong chiến tranh qua bàn tay khéo léo của người dân, bộ đội đã biến thành những đồ dùng cho cuộc sống sinh hoạt, ví như vỏ quả bom chế thành chiếc kẻng, hộp đạn dùng để đựng đồ trang điểm, mũ sắt làm cối giã cua…


Kịch bản phim tài liệu “Hồn quê”, nói về những di tích văn hóa của Hà Nội bị xuống cấp hoặc biến mất, hay đang bị biến dạng bởi những ngôi nhà cao tầng xen kẽ với các ngôi nhà cổ như đình làng Hòa Mục, làng cổ Đông Ngạc, vườn đào Nhật Tân… đã giành giải C tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2008. Kịch bản phim truyện nhựa “Cuộc phiêu lưu của Tõn” có nội dung chống tham nhũng nhưng viết dưới dạng hài đã bán đứt cho Hãng phim Truyện Việt Nam từ năm 2008 nhưng vì không có kinh phí nên hãng chưa thể sản xuất


Tuy nhiên Nguyễn Ngọc Tiến bước chân vào giảng đường đại học rất muộn, sau gần sáu năm quân ngũ trong đó có gần 4 năm ở Campuchia. Ở cái tuổi “tam thập nhi lập” anh mới tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh ngành lý luận phê bình.


Trước đó do đam mê nên anh từng theo học các khóa viết kịch ở Trung tâm văn hóa Hà Nội. Nhưng chính thời gian học đại học anh đã tích lũy vốn kiến thức quý giá về Hà Nội khi đọc rất nhiều sách ở thư viện quốc gia nhất là các báo xuất bản từ 1954 về trước. Ban đầu chỉ đơn thuần là việc đọc những gì liên quan đến văn hóa văn nghệ phục vụ học tập, nhưng anh nhận thấy có nhiều tư liệu về đời sống đô thị Hà Nội chưa được khai thác và thế là ghi chép lại làm “của để dành”, từ chuyện áo dài Le Mur đến xe đạp, xe máy, ô tô, hát xẩm, tàu điện… những thứ đặc trưng của đời sống đô thị.


Khi làm báo, lại viết mảng văn hóa văn nghệ đã thêm cơ hội cho anh gặp gỡ, trò chuyện, “hóng hớt” với các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ thời chống Pháp, các bậc cao niên gắn bó với Hà Nội giúp anh hiểu thêm về Hà Nội chưa động chạm tới hoặc rất ít. Từ đó, dù làm gì, đi đâu, có được thông tin gì anh đều cất giữ vào hộp tư liệu của mình, đặc biệt là việc đọc cũng như thu thập những tư liệu của các tác giả người Pháp viết về Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.


Những cuốn sách viết về Thăng Long - Hà Nội của Nguyễn Trãi, Phạm Đình Hổ hay sách cũng như các bài viết lẻ của các nhà nghiên cứu sau này như: Vũ Tuân Sán, GS Trần Quốc Vượng, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Văn Uẩn… cũng là những tài liệu quý giá giúp anh có kiến thức một cách hệ thống hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên


Tuy nhiên, hiểu biết là một chuyện còn viết sách lại là chuyện khác, nếu viết lại những đề tài đã có người viết, nhìn theo góc nhìn có người đã nhìn thì cuốn sách đó không có ý nghĩa gì nhiều. Vì thế anh chọn mảng đời sống thường ngày của Hà Nội và câu chuyện của những người dân, đề tài rất ít người viết nếu không nói nó còn khá trống trong các bộ sách đồ sộ về Hà Nội. Anh cũng cho rằng không có dân sẽ không có lịch sử và không có đời sống thị thành với những chi tiết ngoắt ngoéo thì diện mạo Hà Nội gầy gò.


Vậy là anh bắt tay vào viết, dựa trên những tư liệu đã tích góp được, cũng như những gì anh được trải nghiệm, được nghe - xem - đi - thấy. Cuốn “5.678 bước chân quanh Hồ Gươm” anh viết khá tự nhiên, biết gì viết nấy, không câu nệ bố cục, hành văn. “Ngày nào mình chẳng đi quanh Hồ Gươm, nơi làm việc bên Hồ Gươm, bao nhiêu con người mình đã gặp, họ đã kể rất nhiều câu chuyện lý thú”.


Nhưng những tư liệu sử dụng cho cuốn sách này còn nhiều, vì thế anh viết tiếp “Đi ngang Hà Nội” nhưng dưới dạng ký- khảo cứu. Lợi thế văn chương và làm báo cho anh cách viết sâu, cung cấp nhiều tư liệu dưới dạng đối chiếu, so sánh, tìm ra cái mới, thậm chí lật ngược vấn đề, gợi mở cho người đọc suy nghĩ theo nhiều hướng.


“Có nhiều đề tài chưa ai viết hoặc viết nhưng chưa sâu như: Đĩ điếm ở Hà Hội, tư sản ở Hà Nội (hai đề tài rất nhạy cảm), cô đầu ở Khâm Thiên, xẩm bờ hồ, xe đạp… Một điều rất lạ là, có người sưu tập về ô tô nhưng chẳng thấy ai viết về ô tô đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội cả, trong khi một thời “ô tô là biểu trưng của quyền lực”.


Ngay như việc sử dụng đĩa than một thời cũng thế, ai là người làm ra nó, thú chơi đĩa than ở Hà Nội như thế nào, không thấy ai viết trong khi máy quay đĩa, đĩa than là một trong những nét đặc trưng của Hà Nội… Tất cả những điều này là cơ hội để mình viết”, anh Tiến nói.


Những trang viết của anh vì thế rất thú vị, có nhiều thứ để đọc, để tìm hiểu và người ta nhận ra rằng anh viết rất nghiêm túc, viết có trách nhiệm, một thứ trách nhiệm không ai ràng buộc nhưng lại chặt chẽ hơn tất thảy mọi thứ luật định nào, một thứ ràng buộc cá nhân với mỗi con chữ được đưa ra.


Với cuốn sách mới xuất hiện gần đây, “Đi dọc Hà Nội” cũng vậy. Anh đưa ra câu hỏi: Ai là người xây Tháp Rùa, đào Nhật Tân có từ bao giờ, phim và rạp chiếu phim một thời… Những điều này vốn không xa lạ với người Hà Nội cũng như những người từng sống ở Hà Nội, tuy nhiên để hiểu một cách thấu đáo thì không phải dễ.


Hay anh phát hiện ra nhà ống ở khu phố cổ, không phải ảnh hưởng từ Nhật Bản mà nguyên nhân xuất phát từ chính sách thuế của triều Nguyễn khi họ đánh thuế cửa hàng dựa vào chiều ngang mặt tiền cửa hàng chứ không căn cứ vào việc buôn bán to hay nhỏ, hàng hóa nhiều hay ít. Vì thế, để tránh việc bị thu thuế cao, người ta hoặc bán nhà hoặc là xé nhỏ nhà chia cho con cái làm giảm chiều ngang mặt tiền đi…


Cứ như thế, anh đưa người đọc lật giở từng trang đời sống của người Hà Nội, của đất Hà Nội. Để viết ra một cách có hệ thống những vấn đề này không đơn giản, nhưng Nguyễn Ngọc Tiến đã làm được, anh cũng khiến nhiều người ngạc nhiên bởi tốc độ viết nhanh đến chóng mặt của mình.


Hiện giờ, anh vẫn đang chấp bút cho những trang viết của cuốn sách tiếp theo mà anh tạm đặt tên là “Biến dịch văn hóa Hà Nội thế kỷ 20”. Trong đó, anh mong sẽ chuyển tải đến người đọc những nét văn hóa của người Hà Nội gắn với những biến đổi về mặt lịch sử gắn với mỗi thời điểm có tính bước ngoặt như: Khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, thời điểm sau 1954, thời điểm từ 1975 trở lại đây, với những biến động của lịch sử thì đời sống văn hóa biến đổi ra sao,…


Và cũng giống như “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội”, “Biến dịch văn hóa Hà Nội thế kỷ 20” sẽ được viết dưới dạng nghiên cứu, khảo cứu. Hy vọng nó là cuốn sách vừa có giá trị những cũng hấp dẫn người đọc để bạn đọc bình dân dễ nhớ, dễ nhập lòng.



Xuân Phong