08:11 23/08/2022

Nguy cơ xung đột ở Balkan khi căng thẳng giữa Serbia và Kosovo tăng cao

Serbia đã yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình NATO làm nhiệm vụ, nếu không Belgrade sẽ thực hiện các biện pháp của mình để bảo vệ người thiểu số Serb ở Kosovo. 

Chú thích ảnh
Các binh sĩ NATO thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Kosovo tuần tra gần biên giới phía Bắc Kosovo. Ảnh: AP

Hy vọng về một bước đột phá nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Balkan giữa Serbia và Kosovo hiện đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết, sau khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic có một bài phát biểu cứng rắn hôm 21/8, cảnh báo quân đội NATO "làm nhiệm vụ của họ" ở Kosovo, hoặc Serbia sẽ hành động để bảo vệ người dân tộc thiểu số của họ ở đó. 

“Chúng tôi sẽ cứu người dân của chúng tôi khỏi cuộc đàn áp và các cuộc khủng bố, nếu NATO không muốn làm điều đó”, ông Vučić nói, gây ra những lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới. 

Ông Vucic cũng cho rằng Chính quyền Kosovo muốn loại bỏ cộng đồng người Serb khỏi vùng lãnh thổ này,  một vấn đề phía Kosovo bác bỏ.

Bài phát biểu của ông Vucic diễn ra sau cuộc họp tuần trước giữa nhà lãnh đạo Serbia với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell, nhưng không thể phá vỡ sự bế tắc giữa Serbia và Kosovo về việc sử dụng biển số xe và thẻ căn cước do Serbia cấp ở Kosovo.

Ông Borrell cũng thừa nhận sự thất bại trong nỗ lực hòa giải giữa Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti trong cuộc gặp tại Brussels, nhằm giảm bớt (hoặc có thể làm lắng dịu) căng thẳng giữa hai bên một cách lâu dài. Tuy nhiên, ông Borrell xác nhận rằng sẽ có những cuộc đàm phán mới.

Tình hình vốn đã đáng lo ngại giữa hai bên, nhất là sau khi chính quyền Kosovo cho biết họ yêu cầu người dân Serb đổi biển số xe từ Serbia sang Kosovo. Serbia cũng đã thực hiện chính sách tương tự đối với người Kosovo trong hơn 10 năm.

Tổng thống Vucic từng được trích dẫn nói rằng ông không có hy vọng tìm ra giải pháp cho những bất đồng, nói rằng Kosovo đã từ chối tất cả các loại đề xuất mà ông đưa ra để tìm giải pháp để khôi phục sự hòa hợp.

Các quốc gia phương Tây cũng lo ngại căng thẳng leo thang sẽ kích động Serbia can thiệp vũ trang vào miền Bắc Kosovo, điều này sẽ gây mất ổn định hơn nữa ở vùng Balkan và chuyển sự chú ý một phần của thế giới và NATO khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Gần 4.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo đã đóng quân ở Kosovo sau cuộc chiến 1998-1999 và bất kỳ sự can thiệp vũ trang nào của Serbia ở đó đều có nghĩa là một sự leo thang lớn của một cuộc xung đột vốn đã âm ỉ ở châu Âu.

Sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán do EU làm trung gian, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo đã được triển khai tại các tuyến đường chính ở phía bắc Kosovo, với thông báo rằng họ sẵn sàng bảo vệ quyền tự do đi lại cho tất cả các bên.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu/DW)