12:10 19/12/2018

Nguy cơ vỡ quy hoạch do ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tra giống

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, diện tích nuôi ươm cá tra giống năm 2016 của toàn tỉnh chỉ khoảng 300 ha thì đến nay đã lên đến gần 2.500 ha.

Thời gian vừa qua, giá ca tra giống luôn ở mức cao, do đó người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An liên tục mở rộng diện tích nuôi, bất chấp những khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Điều này gây ra nhiều nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nguồn cung vượt cầu, ô nhiễm môi trường… 

Chú thích ảnh
Người dân xã Tân Hòa (Tân Thạnh, Long An) thu hoạch cá tra giống. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, diện tích nuôi ươm cá tra giống năm 2016 của toàn tỉnh chỉ khoảng 300 ha thì đến nay đã lên đến gần 2.500 ha. Diện tích nuôi cá tra tự phát bắt đầu nở rộ vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 với khoảng 1.300 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng.

Thời điểm đó, UBND tỉnh Long An đã ra văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên. Thế nhưng, diện tích nuôi cá tra vẫn không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở huyện Tân Thạnh với khoảng 1.000 ha.

Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến nay, con số đã tăng thêm đến gần 1.200 ha. Điều đáng nói là phần lớn các diện tích nuôi đều do người dân tự ý chuyển đổi từ đất trồng lúa, không nằm trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản.

Đến địa bàn các xã như Tân Bình, Tân Hòa… của huyện Tân Thạnh hay Hưng Điền, Hưng Điền B của huyện Tân Hưng, dễ dàng nhìn thấy những ao cá rộng lớn nằm dày đặc dọc các tuyến kênh, tuyến đường.

Ở những nơi khác, người dân vẫn tiếp tục thuê máy xúc về để đào ao. Điều này thể hiện rõ nguy cơ các diện tích nuôi ươm cá tra giống tiếp tục mở rộng trong thời gian tới nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là do giá ca tra giống hiện nay luôn ở mức cao, dao động ở mức 48.000 đồng/kg đối với cá cỡ 30 con/kg; từ 80.000 – 100.000 đồng/kg đối với cá cỡ 100 con/kg. Đồng thời, đầu ra sản phẩm tiêu thụ khá dễ dàng do nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp tăng cao.

Anh Trần Thanh Khen, thương lái chuyên thu mua cá tra giống cho biết: “Năm nay, bà con Long An đào rao rất nhiều, gấp khoảng 3 lần năm ngoái. Nhưng số lượng vẫn đang thiếu so với nhu cầu. Mỗi ngày tôi có thể thu mua từ 5 tấn cho đến 50 tấn vẫn tiêu thụ hết. Nói chung là có bao nhiêu là mua bấy nhiêu”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh lý giải nguyên nhân gia đình quyết định đào ao nuôi cá là vì  thấy người ta làm lãi quá nên cũng làm theo. Chị làm vụ đầu tiên thu hoạch đỡ nhiều hơn làm lúa. Hiện chị mới thả nuôi hơn hai tháng nay với diện tích khoảng 3 công (3.000m2), chi phí ban đầu hơn 50 triệu đồng mà lứa đầu tiên bán được gần 90 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Tân Thạnh (Long An) vẫn tiếp tục đào ao nuôi cá trên đất lúa. 

Theo người dân địa phương, việc đầu tư nuôi ươm cá tra giống giúp bà con thu lợi nhuận rất lớn. Trung bình mỗi năm có thể nuôi trên 4 vụ, lợi nhuận đạt từ 700 – 800 triệu đồng/ha, cá biệt có những hộ nuôi kinh nghiệm, chăm sóc tốt có thể thu lợi nhuận lên đến 2 tỷ đồng/ha. Do vậy, nhiều người sẵn sàng đầu tư đào ao nuôi cá với hy vọng thu lợi trong khoảng vài năm rồi sau đó có lỗ cũng không sao.

Dù lợi nhuận thu về khá lớn, nhưng việc liên lục mở rộng diện tích nuôi cá tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguồn con giống không đảm bảo. Các diện tích nằm trong vùng quy hoạch trồng lúa nên hệ thống kênh mương không phù hợp cho việc nuôi thủy sản. Người nuôi xả nước trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan mần bệnh; diện tích nuôi phát triển nhanh dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu…

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết: “Điều mà chúng tôi lo lắng hiện nay và đã có báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là việc phát triển nhanh diện tích nuôi cá giống quá nhanh trong khi diện tích nuôi thương phẩm không tăng đáng kể thì việc dôi dư đầu ra là sẽ xảy ra.

Thứ hai, là các diện tích nuôi cá giống hiện nay phần lớn đang nằm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa, cái đáng ngại nhất là hệ thống kênh không đảm bảo đúng quy trình của việc nuôi thủy sản. Khi cá bị bệnh thì người dân cứ xả trực tiếp ra môi trường mà không có thông báo, về lâu dài gây ra hệ lụy rất lớn.

Cụ thể hiện nay, trên địa bàn tỷ lệ ươm giống thành công chỉ khoảng 8%; nguồn nước phục vụ cho việc nuôi cá bị ô nhiễm nặng với hàm lượng nitate vượt quá 4 lần so với quy định, bị nhiễm một số vi khuẩn gây bệnh trên cá…”.

Bà Khanh cho biết thêm, trước thực trạng tăng nhanh diện tích nuôi cá tra giống, ngành nông nghiệp đã triển khai nhanh về tập huấn chuyên môn kỹ thuật, lựa chọn con giống cho bà con nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan, và các địa phương có diện tích tăng đột biến. Trước hết, là hướng dẫn người dân kê khai đăng ký nuôi đối với các diện tích trong quy hoạch, đối với diện tích nằm ngoài quy hoạch phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Tới thời điểm này, UBND tỉnh đã ra 3 lần ra văn bản chỉ đạo, mới đây nhất đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra lại việc người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi cá, từ đó tiếp tục tham mưu hướng xử lý.

Dù UBND tỉnh Long An đã nhiều lần chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, thậm chí huyện Tân Hưng đã tiến hành xử phạt 59 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi cá trái với quy định với tổng số tiền 880 triệu đồng. Thế nhưng, các diện tích nuôi cá tra giống trên địa bàn không những không giảm mà còn tăng lên nhanh chóng do nguồn lợi nhuận thu về quá lớn.

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)